Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Giải quyết mối bất đồng

Giải quyết mối bất đồng

Chồng nói: “Sau khi cưới, tôi và vợ là Xuân * về sống với cha mẹ tôi. Một hôm, bạn gái của em trai tôi nhờ tôi lái xe chở về. Tôi đồng ý và cũng chở theo con trai mình. Nhưng khi trở về nhà, vợ tôi rất tức giận. Và chúng tôi bắt đầu cãi nhau. Ngay trước mặt gia đình, cô ấy nói tôi là người lăng nhăng. Tôi mất bình tĩnh và trả đũa bằng những lời khiến cô ấy tức tối hơn”.

Vợ nói: “Con chúng tôi bị bệnh nặng và ngay lúc đó, vợ chồng tôi đang gặp vấn đề về tài chính. Thế nên, khi anh Phong lái xe chở bạn gái của em trai anh ấy và con chúng tôi đi, tự nhiên tôi thấy bực bội. Lúc anh về, tôi nói cho anh biết cảm nghĩ của mình. Rồi chúng tôi cãi vã dữ dội và lăng mạ lẫn nhau. Sau đó, tôi cảm thấy rất tồi tệ”.

Nếu một cặp vợ chồng cãi vã, có phải họ không còn yêu nhau nữa không? Không phải vậy! Anh Phong và chị Xuân trong câu chuyện trên thật sự rất yêu nhau. Nhưng ngay cả trong những cuộc hôn nhân thành công nhất, thỉnh thoảng vẫn có những bất đồng.

Tại sao lại nảy sinh bất đồng? Và bạn nên làm gì để những bất đồng ấy không thể hủy hoại hôn nhân của bạn? Vì Đức Chúa Trời là Đấng thiết lập hôn nhân, nên điều hợp lý là xem xét những gì Lời Ngài, tức Kinh Thánh, nói về vấn đề này.—Sáng-thế Ký 2:21, 22; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

Hiểu rõ vấn đề

Hầu hết các cặp vợ chồng đều muốn đối xử với nhau cách yêu thương và tử tế. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết một thực tế là “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Vì thế, khi có bất đồng ý kiến, người ta có thể khó kiềm chế cảm xúc của mình. Và khi cuộc tranh cãi bùng nổ, một số người cảm thấy họ phải tranh đấu để cưỡng lại những thói quen xấu, chẳng hạn như la lối và mắng nhiếc (Rô-ma 7:21; Ê-phê-sô 4:31). Còn những yếu tố nào khác có thể gây ra căng thẳng trong hôn nhân?

Cách nói chuyện của người chồng có thể khác với người vợ. Chị Mai cho biết: “Khi mới cưới nhau, tôi đã nhận thấy rằng chúng tôi có quan điểm khác nhau trong việc thảo luận các vấn đề. Tôi không chỉ thích nói về chuyện gì đã xảy ra mà còn về lý do tại sao nó xảy ra và xảy ra như thế nào. Nhưng dường như ông xã tôi chỉ chú ý đến kết quả cuối cùng mà thôi”.

Trường hợp của chị Mai không phải là duy nhất. Trong nhiều cuộc hôn nhân, một người có thể muốn thảo luận chi tiết về các bất đồng, còn người kia thì không thích bàn cãi và muốn tránh né vấn đề. Thỉnh thoảng, khi người này càng nói về vấn đề chừng nào, người kia càng tránh né chừng nấy. Hôn nhân của bạn có gặp phải tình trạng này không? Có phải một trong hai bạn dường như luôn là người thích thảo luận, còn người kia thì thích tránh né vấn đề không?

Có một yếu tố khác cần phải xem xét. Đó là hoàn cảnh xuất thân của từng người có thể ảnh hưởng thế nào đến nhận thức của họ về cách trò chuyện giữa hai vợ chồng. Anh Giang đã lập gia đình được 5 năm. Anh cho biết: “Lớn lên trong một gia đình ít có thói quen bày tỏ cảm xúc, nên tôi thấy khó thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình. Điều này làm vợ tôi thấy khó chịu vì gia đình cô ấy quen cách nói chuyện cởi mở. Vợ tôi không ngại nói với tôi cô ấy cảm thấy thế nào”.

Tại sao nên cố gắng giải quyết vấn đề?

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ một hôn nhân hạnh phúc không phải là việc hai vợ chồng thường xuyên nói yêu nhau. Hòa hợp trong quan hệ vợ chồng và ổn định về tài chính cũng không phải là các yếu tố quan trọng nhất. Thay vì thế, yếu tố quyết định một hôn nhân thành công là cách hai vợ chồng giải quyết ổn thỏa các bất đồng đến mức nào.

Ngoài ra, Chúa Giê-su cho biết rằng khi hai người kết hôn thì chính Đức Chúa Trời, chứ không phải loài người, đã gắn kết họ lại (Ma-thi-ơ 19:4-6). Vì thế, một hôn nhân hạnh phúc tôn vinh Đức Chúa Trời. Trái lại, nếu người chồng không yêu thương và quan tâm đến vợ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thể sẽ không nghe lời cầu nguyện của anh (1 Phi-e-rơ 3:7). Còn nếu người vợ không tôn trọng chồng thì thật ra chị không tôn kính Đức Giê-hô-va, Đấng đã sắp đặt người chồng làm đầu gia đình.—1 Cô-rinh-tô 11:3.

Bí quyết thành công: Tránh nói những lời gây tổn thương

Dù bạn xuất thân từ gia đình thế nào hay có cách trò chuyện ra sao, nếu muốn áp dụng các nguyên tắc trong Kinh Thánh và giải quyết ổn thỏa những bất đồng, bạn phải tránh nói những lời gây tổn thương. Hãy tự hỏi những câu hỏi sau:

‘Tôi có cưỡng lại khuynh hướng trả đũa không?’

Một câu châm ngôn nói: “Bóp mũi ra máu; chọc giận sinh ra cãi lộn” (Châm-ngôn 30:33, Bản Dịch Mới). Câu này có nghĩa gì? Hãy xem thí dụ sau. Ban đầu, có lẽ hai vợ chồng chỉ đưa ra những ý kiến khác nhau về chuyện tiền bạc trong gia đình (“Chúng ta phải giảm bớt chi tiêu trong nhà”). Nhưng ngay sau đó, cuộc thảo luận có thể biến thành cuộc cãi vã và chỉ trích lẫn nhau (“Anh/Em thật vô trách nhiệm!”). Đúng vậy, khi người hôn phối “bóp mũi” của bạn bằng những lời chỉ trích, bạn có thể muốn trả đũa lại. Tuy nhiên, làm thế chỉ dẫn đến giận dữ và càng cãi cọ thêm.

Người viết Kinh Thánh là Gia-cơ cảnh báo: “Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên! Cái lưỡi cũng như lửa” (Gia-cơ 3:5, 6). Khi cặp vợ chồng không kiềm chế cái lưỡi, bất đồng nhỏ có thể bùng lên thành cuộc xung đột dữ dội. Nếu những cuộc cãi vã nảy lửa như thế cứ lặp đi lặp lại thì hôn nhân ấy không thể nào có được bầu không khí yêu thương.

Thay vì trả đũa, bạn hãy noi gương Chúa Giê-su, đấng “bị rủa mà chẳng rủa lại” (1 Phi-e-rơ 2:23). Cách nhanh nhất để dập tắt cuộc cãi vã là cố hiểu quan điểm của người hôn phối, đồng thời biết xin lỗi vì mình cũng có phần gây nên xung đột ấy.

HÃY THỬ XEM: Khi bất đồng nảy sinh vào lần tới, hãy tự hỏi: ‘Nếu cố hiểu mối quan tâm của chồng/vợ mình, tôi có mất mát gì không? Tôi đã làm gì để gây nên vấn đề? Điều gì khiến tôi không thể xin lỗi?’.

‘Tôi có xem nhẹ cảm xúc của người hôn phối không?’

Lời Đức Chúa Trời khuyên: “Hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em” (1 Phi-e-rơ 3:8). Hãy xem xét hai lý do tại sao bạn có thể khó áp dụng lời khuyên này. Thứ nhất, bạn có thể không hiểu thấu tâm tư và tình cảm của người hôn phối. Thí dụ, nếu người hôn phối quá lo lắng về một điều nào đó, bạn có thể muốn nói: “Sao anh/em phản ứng thái quá như thế?”. Có lẽ bạn chỉ có ý muốn giúp người hôn phối nhìn vấn đề cách hợp lý hơn. Tuy nhiên, lời nói ấy không mang lại sự an ủi gì. Cả chồng lẫn vợ đều muốn người mà họ yêu thương hiểu và thông cảm với họ.

Thứ hai, tính tự cao cũng có thể khiến một người xem nhẹ cảm xúc của người hôn phối. Một người kiêu ngạo cố đề cao bản thân bằng cách thường xuyên hạ thấp người khác. Người đó có thể lăng mạ hoặc so sánh người hôn phối mình cách vô lý. Chúng ta hãy xem trường hợp của người Pha-ri-si và thầy thông giáo vào thời Chúa Giê-su. Những người này rất kiêu ngạo và nhục mạ bất cứ ai (kể cả người cũng là người Pha-ri-si) đưa ra ý kiến khác với họ (Giăng 7:45-52). Nhưng Chúa Giê-su thì khác. Ngài thông cảm với người ta khi họ bày tỏ cảm nghĩ với ngài.—Ma-thi-ơ 20:29-34; Mác 5:25-34.

Hãy nghĩ bạn phản ứng thế nào khi người hôn phối bày tỏ quan điểm hay cảm xúc. Lời nói, giọng nói và nét mặt có cho thấy bạn thông cảm với người bạn đời của mình không? Hoặc bạn có khuynh hướng gạt bỏ ngay cảm nghĩ của người hôn phối?

HÃY THỬ XEM: Trong những tuần đến, hãy lưu ý cách bạn nói chuyện với người hôn phối. Nếu bạn thấy mình tỏ ra thờ ơ hoặc nói điều gì đó có vẻ mỉa mai, hãy lập tức xin lỗi.

‘Tôi có thường cho rằng người hôn phối mình có động lực ích kỷ không?’

“Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh-vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao?” (Gióp 1:9, 10). Sa-tan dùng những lời trên để nêu lên nghi vấn về động lực của Gióp, một người trung thành với Đức Chúa Trời.

Nếu một cặp vợ chồng không thận trọng, họ có thể rơi vào tình trạng tương tự. Thí dụ, khi người hôn phối làm một điều tốt cho bạn, bạn có nghi ngờ anh ấy/cô ấy muốn mình làm một điều gì đó hoặc đang che giấu bạn một vấn đề không? Nếu người hôn phối phạm lỗi, bạn có xem đó là bằng chứng cho thấy anh ấy/cô ấy là người ích kỷ và thiếu quan tâm không? Bạn có lập tức nhớ lại những lỗi tương tự trước đây của người hôn phối, và thêm nó vào trong “danh sách” không?

HÃY THỬ XEM: Hãy ghi ra danh sách những điều tích cực mà người hôn phối đã làm cho bạn, kèm theo động lực tốt của người ấy.

Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Tình yêu-thương. . . chẳng nghi-ngờ sự dữ” (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5). Tình yêu chân chính không mù quáng, cũng không ghi nhớ những lỗi lầm của người khác. Sứ đồ Phao-lô cũng nói tình yêu thương “tin mọi sự” (1 Cô-rinh-tô 13:7). Tình yêu thương này không khiến một người hoài nghi hay cả tin, nhưng giúp người đó sẵn sàng tin cậy người khác. Loại tình yêu thương mà Kinh Thánh nói đến thúc đẩy người ta sẵn sàng tha thứ và xem động lực của người khác là tốt (Thi-thiên 86:5; Ê-phê-sô 4:32). Khi các cặp vợ chồng bày tỏ loại tình yêu thương này với nhau, họ sẽ vui hưởng một hôn nhân hạnh phúc.

HÃY TỰ HỎI:

  • Cặp vợ chồng được đề cập ở đầu bài đã phạm phải sai lầm nào?

  • Làm thế nào tôi có thể tránh phạm phải sai lầm tương tự trong hôn nhân của mình?

  • Trong bài này, tôi cần cố gắng vun trồng điểm nào nhiều nhất?

^ đ. 3 Các tên đã được đổi.