BÀI HỌC 13
BÀI HÁT 4 “Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ của tôi”
Tay của Đức Giê-hô-va không bao giờ quá ngắn
“Tay của Đức Giê-hô-va quá ngắn hay sao?”—DÂN 11:23.
TRỌNG TÂM
Tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo cho nhu cầu vật chất của chúng ta, và củng cố lòng tin cậy mà chúng ta đang có.
1. Môi-se thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va như thế nào khi dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập?
Trong số những người nêu gương về đức tin được đề cập trong sách Hê-bơ-rơ, Môi-se là người nổi bật (Hê 3:2-5; 11:23-25). Ông thể hiện đức tin khi dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. Ông không chùn bước trước Pha-ra-ôn và đạo quân của hắn. Tin cậy Đức Giê-hô-va, ông dẫn dân chúng băng qua Biển Đỏ và sau đó đi vào hoang mạc (Hê 11:27-29). Phần lớn người Y-sơ-ra-ên đã không còn tin rằng Đức Giê-hô-va có khả năng chăm sóc họ, nhưng Môi-se vẫn tiếp tục tin cậy ngài. Lòng tin của ông không đặt sai chỗ, vì Đức Chúa Trời đã làm phép lạ ban thức ăn và nước uống để nuôi dân chúng trong hoang mạc cằn cỗi. a—Xuất 15:22-25; Thi 78:23-25.
2. Tại sao Đức Giê-hô-va hỏi Môi-se: “Tay của Đức Giê-hô-va quá ngắn hay sao?”? (Dân số 11:21-23)
2 Dù Môi-se có đức tin mạnh, nhưng khoảng một năm sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu bằng phép lạ, ông đã nghi ngờ liệu Đức Giê-hô-va có khả năng ban thịt cho dân ngài hay không. Môi-se không hình dung được làm thế nào ngài có thể cung cấp đủ thịt cho hàng triệu người đang đóng trại trong hoang mạc cằn cỗi. Để trả lời, ngài hỏi Môi-se: “Tay của Đức Giê-hô-va quá ngắn hay sao?”. (Đọc Dân số 11:21-23). Cụm từ “tay của Đức Giê-hô-va” ở đây nói đến thần khí thánh của Đức Chúa Trời, hay lực đang hoạt động của ngài. Nói cách khác, ngài đang hỏi Môi-se: “Con nghĩ ta không thể làm điều ta phán sao?”.
3. Tại sao chúng ta nên chú ý đến trường hợp của Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên?
3 Anh chị có bao giờ thắc mắc liệu Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo cho nhu cầu vật chất của mình và gia đình mình không? Tất cả chúng ta đều được lợi ích khi xem xét trường hợp Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên thiếu lòng tin cậy nơi khả năng chu cấp của ngài. Chúng ta cũng xem những câu Kinh Thánh giúp mình củng cố lòng tin chắc là tay Đức Giê-hô-va không bao giờ quá ngắn.
HỌC TỪ MÔI-SE VÀ DÂN Y-SƠ-RA-ÊN
4. Có lẽ điều gì khiến nhiều người nghi ngờ Đức Giê-hô-va không có khả năng chu cấp cho họ về vật chất?
4 Hãy xem văn cảnh. Dân Y-sơ-ra-ên và “rất đông người ngoại quốc” đã ở trong hoang mạc mênh mông được một thời gian sau khi rời khỏi Ai Cập và đang trên đường đến Đất Hứa (Xuất 12:38; Phục 8:15). Đám đông người ngoại quốc ấy đã chán ăn ma-na, và nhiều người Y-sơ-ra-ên cũng thế. Tất cả họ phàn nàn với Môi-se về điều đó (Dân 11:4-6). Dân chúng bắt đầu thèm những thức ăn mà họ đã có ở Ai Cập. Vì bị dân chúng gây áp lực, dường như Môi-se nghĩ rằng chính ông phải cung cấp những thức ăn ấy cho họ.—Dân 11:13, 14.
5, 6. Chúng ta học được gì từ việc nhiều người Y-sơ-ra-ên bị ảnh hưởng bởi đám đông người ngoại quốc?
5 Dường như dân Y-sơ-ra-ên bị ảnh hưởng bởi tinh thần vô ơn của đám đông người ngoại quốc. Chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tinh thần vô ơn của người khác và cảm thấy bất mãn với những gì Đức Giê-hô-va cung cấp. Điều này có thể xảy ra nếu chúng ta tiếc nuối về những gì mình từng có hoặc ghen tị với những điều người khác có. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nếu vun trồng sự thỏa lòng, bất kể hoàn cảnh thế nào.
6 Lẽ ra dân Y-sơ-ra-ên nên nhớ Đức Chúa Trời đã đảm bảo rằng khi đến nơi, họ sẽ có dư dật mọi thứ. Lời hứa đó sẽ được ứng nghiệm trong Đất Hứa, chứ không phải khi họ đi trong hoang mạc. Tương tự, thay vì tập trung vào những gì mình không có trong thế gian này, chúng ta nên suy ngẫm về những điều Đức Giê-hô-va hứa ban cho mình trong thế giới mới. Chúng ta cũng có thể suy ngẫm về những câu Kinh Thánh giúp mình củng cố lòng tin cậy nơi ngài.
7. Tại sao chúng ta có thể tin chắc tay của Đức Giê-hô-va không quá ngắn?
7 Tuy nhiên, có lẽ anh chị thắc mắc tại sao Đức Giê-hô-va hỏi Môi-se: “Tay của Đức Giê-hô-va quá ngắn hay sao?”. Có thể ngài đang giúp Môi-se không chỉ nghĩ đến quyền năng mạnh mẽ của tay ngài, mà còn nghĩ đến khả năng vươn tới của tay ấy. Đức Chúa Trời có thể cung cấp rất nhiều thịt cho dân Y-sơ-ra-ên, ngay cả khi họ đang ở hoang mạc. “Bằng bàn tay mạnh mẽ, bằng cánh tay giơ thẳng”, Đức Chúa Trời đã thể hiện quyền năng của ngài (Thi 136:11, 12). Vì thế, khi gặp thử thách, chúng ta có thể tin chắc tay Đức Giê-hô-va sẽ vươn tới để giúp đỡ từng người trong chúng ta, dù chúng ta ở đâu.—Thi 138:6, 7.
8. Làm thế nào để tránh phạm sai lầm tương tự như nhiều người trong hoang mạc? (Cũng xem hình).
8 Không lâu sau, Đức Giê-hô-va đã cung cấp thịt. Dân Y-sơ-ra-ên nhận được một lượng lớn chim cút. Nhưng họ không cảm tạ ngài về phép lạ đó. Thay vì thế, nhiều người đã trở nên rất tham lam. Suốt một ngày rưỡi, họ thức trắng để lượm thật nhiều chim cút. Đức Giê-hô-va nổi giận với “những người tỏ lòng tham” như thế và đã trừng phạt họ (Dân 11:31-34). Bài học là gì? Chúng ta cần cẩn thận để không rơi vào bẫy của sự tham lam. Dù giàu hay nghèo, chúng ta nên ưu tiên tích trữ “của báu ở trên trời” bằng cách xây dựng tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su (Mat 6:19, 20; Lu 16:9). Khi làm thế, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ chu cấp cho mình.
Trong hoang mạc, nhiều người thể hiện tinh thần nào, và chúng ta học được gì từ trường hợp này? (Xem đoạn 8)
9. Chúng ta có thể tin chắc điều gì về sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời?
9 Đức Giê-hô-va giơ tay ngài ra để giúp đỡ dân ngài ngày nay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ bị đói hoặc bị mất của cải vật chất. b Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài sẽ hỗ trợ dù chúng ta gặp thử thách nào đi nữa. Hãy xem hai trường hợp mà chúng ta có thể cho thấy mình tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giơ tay ra để chu cấp nhu cầu vật chất cho mình: (1) khi đối phó với vấn đề tài chính và (2) khi chuẩn bị cho nhu cầu vật chất lúc về già.
ĐỐI PHÓ VỚI VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH
10. Chúng ta có thể đối phó với những vấn đề tài chính nào?
10 Khi thế gian càng đến gần sự kết thúc, tình trạng kinh tế sẽ càng khó khăn. Bất ổn về chính trị, xung đột vũ trang, thảm họa thiên nhiên hoặc những dịch bệnh mới có thể dẫn đến phát sinh nhiều chi phí, mất việc, mất tài sản hoặc nhà cửa. Có thể chúng ta phải tìm việc mới ở địa phương hoặc xem xét có chuyển gia đình đến một nơi khác để chu cấp cho họ hay không. Điều gì có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định cho thấy mình tin cậy tay của Đức Giê-hô-va?
11. Điều gì có thể giúp anh chị đối phó với vấn đề tài chính? (Lu-ca 12:29-31)
11 Một cách quan trọng và hữu hiệu là nói với Đức Giê-hô-va về nỗi lo lắng của anh chị (Châm 16:3). Cầu xin ngài ban sự khôn ngoan cần thiết để có quyết định sáng suốt và ban bình an nội tâm để tránh “quá lo âu” về hoàn cảnh của mình. (Đọc Lu-ca 12:29-31). Nài xin ngài giúp anh chị thỏa lòng với những điều cơ bản trong đời sống (1 Ti 6:7, 8). Nghiên cứu các ấn phẩm của chúng ta về cách đối phó với vấn đề tài chính. Nhiều người đã nhận được lợi ích từ các tài liệu liên quan đến vấn đề tài chính trên jw.org.
12. Những câu hỏi nào có thể giúp một tín đồ đưa ra quyết định tốt nhất cho gia đình?
12 Một số người nhận công việc đòi hỏi phải sống xa gia đình, nhưng thường thì quyết định ấy là thiếu khôn ngoan. Trước khi nhận một công việc mới, anh chị không chỉ xem xét công việc ấy mang lại lợi ích nào về kinh tế, mà còn ảnh hưởng ra sao đến tình trạng thiêng liêng của gia đình (Lu-ca 14:28). Hãy tự hỏi: “Nếu mình sống xa người hôn phối, hôn nhân của mình sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Việc mình chuyển đi sẽ ảnh hưởng ra sao đến việc kết hợp với anh em đồng đạo và thánh chức?”. Nếu có con, anh chị cũng nên tự hỏi câu hỏi quan trọng sau: “Làm sao mình có thể nuôi dạy các con theo ‘sự sửa phạt và khuyên bảo của Đức Giê-hô-va’ nếu không ở cùng chúng?” (Ê-phê 6:4). Hãy để lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va hướng dẫn anh chị, chứ không phải lối suy nghĩ của thành viên gia đình hoặc bạn bè không tôn trọng các nguyên tắc Kinh Thánh. c Anh Tony, sống ở Tây Á, nhận được một số lời mời hấp dẫn để làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi cầu nguyện về vấn đề và thảo luận với vợ mình, anh quyết định từ chối những lời mời ấy và cố gắng cắt giảm chi tiêu trong gia đình. Khi nhìn lại, anh nói: “Tôi đã có đặc ân giúp một số người biết đến Đức Giê-hô-va, và các con của chúng tôi cũng sốt sắng trong chân lý. Gia đình tôi học được rằng bao lâu chúng tôi sống theo Ma-thi-ơ 6:33 thì bấy lâu Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc cho chúng tôi”.
CHUẨN BỊ CHO NHU CẦU VẬT CHẤT LÚC VỀ GIÀ
13. Chúng ta có thể thực hiện những điều hợp lý nào ngay bây giờ để chuẩn bị cho nhu cầu vật chất lúc về già?
13 Chúng ta có thể cho thấy mình tin cậy tay của Đức Giê-hô-va đến mức nào khi lên kế hoạch cho lúc về già. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta làm việc siêng năng để có đủ tiền trang trải sau này (Châm 6:6-11). Nếu có khả năng, điều hợp lý là chúng ta dành dụm một số tiền cho tương lai. Tiền bạc có thể che chở chúng ta phần nào (Truyền 7:12). Tuy nhiên, chúng ta nên tránh xem việc kiếm tiền là trọng tâm của đời sống.
14. Tại sao chúng ta nên xem xét Hê-bơ-rơ 13:5 khi chuẩn bị cho nhu cầu vật chất lúc về già?
14 Chúa Giê-su nói đến minh họa về sự dại dột của việc tích lũy của cải mà không “giàu có nơi Đức Chúa Trời” (Lu 12:16-21). Không ai biết ngày mai sẽ ra sao (Châm 23:4, 5; Gia 4:13-15). Là môn đồ của Đấng Ki-tô, chúng ta có một thách đố phải đương đầu. Chúa Giê-su nói rằng chúng ta phải sẵn sàng “từ bỏ” tất cả của cải vật chất để trở thành môn đồ ngài (Lu 14:33). Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất ở Giu-đê đã vui mừng chịu đựng sự mất mát như thế (Hê 10:34). Thời nay, nhiều anh chị đã phải hy sinh công việc hoặc tài sản vì từ chối ủng hộ một hệ thống chính trị nào đó (Khải 13:16, 17). Điều gì giúp họ làm thế? Họ có lòng tin tuyệt đối nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:5). Chúng ta cố gắng chuẩn bị cho nhu cầu vật chất lúc về già, và nếu những biến cố bất ngờ xảy ra, chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ mình.
15. Cha mẹ tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên có quan điểm thăng bằng nào về con mình? (Cũng xem hình).
15 Trong một số nền văn hóa, các cặp vợ chồng thường sinh con để con chu cấp cho họ khi về già. Theo nghĩa nào đó, những cặp vợ chồng ấy xem con cái là “kế hoạch hưu trí” của mình. Kinh Thánh nói rằng cha mẹ nên chăm sóc cho nhu cầu của con (2 Cô ). Dĩ nhiên, cha mẹ có thể cần một số sự giúp đỡ thiết thực khi về già, và nhiều người con sẵn sàng để sắp xếp điều đó ( 12:141 Ti 5:4). Nhưng cha mẹ tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhận ra rằng niềm vui lớn nhất của họ đến từ việc giúp con trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chứ không phải đến từ việc nuôi dạy con với hy vọng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ con.—3 Giăng 4.
Những cặp vợ chồng tín đồ đạo Đấng Ki-tô khôn ngoan xem xét nguyên tắc Kinh Thánh khi đưa ra các quyết định về tương lai (Xem đoạn 15) d
16. Làm thế nào cha mẹ có thể chuẩn bị cho con để biết cách tự chu cấp cho bản thân? (Ê-phê-sô 4:28)
16 Hãy nêu gương về việc tin cậy Đức Giê-hô-va khi giúp con biết cách tự chu cấp cho bản thân sau này. Từ khi con còn nhỏ, hãy cho con thấy giá trị của tính siêng năng trong công việc (Châm 29:21; đọc Ê-phê-sô 4:28). Khi chúng lớn lên, hãy giúp chúng chăm chỉ học hành. Các bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô có thể nghiên cứu và áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh để giúp con đưa ra quyết định khôn ngoan về học vấn. Nhờ thế, chúng được trang bị để tự chu cấp cho bản thân và hết lòng tham gia thánh chức.
17. Chúng ta có thể tin chắc điều gì?
17 Các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va có thể chắc chắn là ngài có khả năng và ước muốn để đáp ứng nhu cầu vật chất của họ. Khi sự kết thúc của thế gian này đến gần, chúng ta biết lòng tin cậy của mình nơi ngài sẽ bị thử thách. Tuy nhiên, dù chuyện gì xảy ra đi nữa, hãy tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ dùng quyền năng để chu cấp cho chúng ta về vật chất. Chúng ta có thể tin chắc rằng tay mạnh mẽ và cánh tay giơ thẳng của ngài sẽ không bao giờ quá ngắn để vươn tới giúp đỡ chúng ta.
BÀI HÁT 150 Hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu rỗi
a Xem bài “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh tháng 10 năm 2023.
b Xem bài “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-9-2014.
c Xem bài “Không ai có thể làm tôi hai chủ” trong Tháp Canh ngày 15-4-2014.
d HÌNH ẢNH: Một cặp vợ chồng tín đồ liên lạc với con gái, người đang cùng chồng phụng sự ở một dự án xây cất Phòng Nước Trời.