Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 10

BÀI HÁT 31 Hãy bước đi với Đức Chúa Trời!

Hãy noi theo lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su

Hãy noi theo lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su

“Vì Đấng Ki-tô đã chịu khổ ở thể xác thịt nên anh em cũng hãy trang bị cho mình cùng một tinh thần ấy”.1 PHI 4:1.

TRỌNG TÂM

Những điều mà sứ đồ Phi-e-rơ học được từ lối suy nghĩ của Chúa Giê-su và các bài học cho chúng ta.

1, 2. Yêu thương Đức Giê-hô-va liên quan đến điều gì, và làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài yêu thương Đức Giê-hô-va hết tâm trí?

 “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình, hết sức lực và hết tâm trí” (Lu 10:27). Chúa Giê-su cho biết rõ đó là điều luật quan trọng nhất trong Luật pháp Môi-se. Hãy lưu ý là tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va liên quan đến lòng. Lòng bao gồm ước muốn và cảm xúc. Tình yêu thương ấy cũng liên quan đến sức lực của chúng ta và việc sùng kính Đức Giê-hô-va hết mình. Tuy nhiên, tình yêu thương dành cho ngài cũng liên quan đến tâm trí của chúng ta, kể cả cách suy nghĩ về các vấn đề. Dĩ nhiên, chúng ta không bao giờ hiểu được trọn vẹn lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Nhưng chúng ta có thể hiểu rõ hơn về lối suy nghĩ của ngài bằng cách tìm hiểu “tư tưởng của Đấng Ki-tô”, vì Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo lối suy nghĩ của Cha ngài.—1 Cô 2:16.

2 Chúa Giê-su yêu thương Đức Giê-hô-va hết tâm trí. Ngài biết ý muốn của Cha dành cho mình và quyết tâm hành động phù hợp với ý muốn đó, dù phải chịu khổ khi làm thế. Vì tập trung vào việc làm theo ý muốn của Cha, Chúa Giê-su không để bất cứ điều gì khiến ngài đi chệch khỏi mục tiêu đó.

3. Sứ đồ Phi-e-rơ học được gì từ Chúa Giê-su, và ông khuyến khích anh em đồng đạo làm gì? (1 Phi-e-rơ 4:1)

3 Phi-e-rơ và các sứ đồ khác có đặc ân được dành thời gian cùng với Chúa Giê-su và trực tiếp học về cách suy nghĩ của ngài. Khi viết lá thư đầu tiên được soi dẫn, Phi-e-rơ khuyến khích các tín đồ trang bị cho mình cùng một tinh thần với Đấng Ki-tô. a (Đọc 1 Phi-e-rơ 4:1). Trong nguyên ngữ, từ được dịch là “trang bị cho mình” là từ dùng trong quân đội. Vì thế, nếu noi theo tinh thần, tức lối suy nghĩ, của Chúa Giê-su, các tín đồ sẽ được trang bị một vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại khuynh hướng tội lỗi và thế gian của Sa-tan.—2 Cô 10:​3-5; Ê-phê 6:12.

4. Bài này có thể giúp chúng ta làm theo lời khuyên của Phi-e-rơ như thế nào?

4 Chúng ta sẽ xem xét lối suy nghĩ của Chúa Giê-su và cách để noi theo. Qua đó, chúng ta sẽ học cách (1) noi theo lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va, là điều sẽ giúp tất cả chúng ta đồng tâm hợp nhất, (2) vun trồng sự khiêm nhường và (3) biết suy xét qua việc nương cậy Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện.

NOI THEO LỐI SUY NGHĨ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

5. Có lần Phi-e-rơ không phản ánh lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va như thế nào?

5 Hãy xem một trường hợp mà Phi-e-rơ không phản ánh lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su đã nói với các sứ đồ rằng ngài sẽ phải đến Giê-ru-sa-lem, bị nộp cho các nhà lãnh đạo tôn giáo ở đó, bị tra tấn và xử tử (Mat 16:21). Có lẽ Phi-e-rơ thấy khó chấp nhận việc Đức Giê-hô-va để cho Chúa Giê-su, là niềm hy vọng của Y-sơ-ra-ên và Đấng Mê-si được hứa trước, bị xử tử như thế (Mat 16:16). Vì thế, ông kéo ngài riêng ra và nói: “Sao Chúa lại nghĩ mình phải chịu khổ như vậy? Điều đó sẽ không xảy ra cho ngài đâu” (Mat 16:22). Vì không phản ánh suy nghĩ của Đức Giê-hô-va về vấn đề này, Phi-e-rơ không có cùng suy nghĩ với Chúa Giê-su.

6. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va?

6 Chúa Giê-su có lối suy nghĩ hoàn toàn giống với Cha trên trời. Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau tôi! Anh là chướng ngại gây vấp ngã cho tôi, vì anh suy nghĩ theo quan điểm của loài người, chứ không phải của Đức Chúa Trời” (Mat 16:23). Có lẽ Phi-e-rơ có ý tốt, nhưng Chúa Giê-su đã bác bỏ lời khuyên của ông. Ngài biết rằng lối sống dễ dãi với bản thân không phải là ý muốn của Đức Giê-hô-va dành cho mình. Vào dịp ấy, Phi-e-rơ học được rằng ông cần có cùng lối suy nghĩ với Đức Chúa Trời. Và đó cũng là bài học quan trọng dành cho chúng ta.

7. Làm thế nào Phi-e-rơ cho thấy ông muốn có lối suy nghĩ giống với Đức Giê-hô-va? (Xem hình).

7 Sau này, Phi-e-rơ cho thấy ông muốn có lối suy nghĩ giống với Đức Giê-hô-va. Đã đến lúc những người dân ngoại không cắt bì được thuộc về dân của Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ được giao nhiệm vụ rao giảng cho Cọt-nây, một trong những người dân ngoại đầu tiên trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Người Do Thái tránh giao thiệp với dân ngoại. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi Phi-e-rơ cần sự giúp đỡ để chuẩn bị cho nhiệm vụ của mình. Khi nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời trong vấn đề này, Phi-e-rơ đã điều chỉnh quan điểm. Nhờ thế, khi được mời đến gặp Cọt-nây, ông đi mà “không hề phản đối” (Công 10:​28, 29). Phi-e-rơ đã rao giảng cho Cọt-nây cũng như người nhà của ông, và họ đã chịu phép báp-têm.—Công 10:​21-23, 34, 35, 44-48.

Phi-e-rơ bước vào nhà Cọt-nây (Xem đoạn 7)


8. Làm thế nào để cho thấy suy nghĩ của chúng ta phù hợp với suy nghĩ của Đức Giê-hô-va? (1 Phi-e-rơ 3:8 và chú thích).

8 Nhiều năm sau, Phi-e-rơ đã khuyến khích các anh em đồng đạo “đồng tâm nhất trí”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:8 và chú thích). Là dân của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể đồng tâm nhất trí bằng cách phản ánh lối suy nghĩ của ngài được tiết lộ qua Kinh Thánh. Chẳng hạn, Chúa Giê-su khuyến giục các môn đồ đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống (Mat 6:33). Ghi nhớ điều ấy, một người công bố trong hội thánh của anh chị có thể quyết định bắt đầu phụng sự trọn thời gian theo một hình thức nào đó. Thay vì khuyên người ấy chọn lối sống dễ dãi với bản thân, chúng ta nên nói tích cực về nỗ lực đó và đề nghị giúp đỡ.

VUN TRỒNG SỰ KHIÊM NHƯỜNG

9, 10. Chúa Giê-su thể hiện sự khiêm nhường nổi bật bằng cách nào?

9 Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su dạy Phi-e-rơ và các sứ đồ khác bài học quan trọng về sự khiêm nhường. Trước đó, Chúa Giê-su đã phái Phi-e-rơ và Giăng đi chuẩn bị cho bữa ăn cuối cùng của ngài với các sứ đồ khi còn ở trên đất. Rất có thể điều đó bao gồm việc chuẩn bị sẵn chậu và khăn để rửa chân cho khách trước bữa ăn. Nhưng ai sẽ thực hiện công việc khiêm nhường này?

10 Không chút do dự, Chúa Giê-su thể hiện sự khiêm nhường nổi bật. Trước sự kinh ngạc của các sứ đồ, ngài đã làm một việc mà thông thường là của đầy tớ. Chúa Giê-su cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt nơi lưng, đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân cho họ (Giăng 13:​4, 5). Có thể phải mất nhiều thời gian để rửa chân cho tất cả 12 sứ đồ, kể cả người sắp phản bội ngài là Giu-đa. Nhưng Chúa Giê-su khiêm nhường hoàn thành công việc ấy. Rồi ngài kiên nhẫn giải thích: “Anh em có hiểu điều tôi vừa làm cho anh em không? Anh em gọi tôi là ‘Thầy’ và ‘Chúa’, anh em gọi như vậy là đúng, vì tôi thật như thế. Vậy, nếu tôi là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng nên rửa chân cho nhau”.—Giăng 13:​12-14.

Khiêm nhường thật liên quan đến suy nghĩ của chúng ta

11. Làm thế nào Phi-e-rơ cho thấy ông đã học được tính khiêm nhường? (1 Phi-e-rơ 5:5) (Cũng xem hình).

11 Phi-e-rơ đã học từ sự khiêm nhường của Chúa Giê-su. Sau khi ngài trở về trời, Phi-e-rơ làm phép lạ chữa lành cho một người đàn ông bị què bẩm sinh (Công 1:​8, 9; 3:​2, 6-8). Phép lạ này khiến nhiều người kéo đến xem (Công 3:11). Nhưng Phi-e-rơ không muốn người ta chú ý đến bản thân, dù ông lớn lên trong một nền văn hóa rất chú trọng đến sự nổi trội và địa vị. Ông khiêm nhường quy công trạng cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Phi-e-rơ nói: “Qua danh [Chúa Giê-su] và bởi đức tin của chúng tôi nơi danh ngài mà người đàn ông này khỏe mạnh” (Công 3:​12-16). Sau này, Phi-e-rơ viết cho các tín đồ là họ cần mặc lấy sự khiêm nhường. Điều đó nhắc chúng ta nhớ đến lần Chúa Giê-su lấy khăn và thắt nơi lưng, rồi rửa chân cho các sứ đồ.—Đọc 1 Phi-e-rơ 5:5.

Sau khi làm phép lạ, Phi-e-rơ khiêm nhường quy công trạng cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Chúng ta cũng có thể thể hiện sự khiêm nhường bằng cách làm điều tốt mà không mong được ghi nhận hoặc có phần thưởng (Xem đoạn 11, 12)


12. Giống như Phi-e-rơ, chúng ta có thể tiếp tục vun trồng sự khiêm nhường bằng cách nào?

12 Chúng ta có thể noi theo Phi-e-rơ trong việc vun trồng sự khiêm nhường. Hãy nhớ rằng sự khiêm nhường thật không chỉ liên quan đến lời nói của chúng ta. Từ mà Phi-e-rơ dùng được dịch là “sự khiêm nhường” cũng có thể được dịch là “tinh thần xem mình là thấp hèn”. Điều này cho thấy sự khiêm nhường liên quan đến suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta làm điều tốt cho người khác vì yêu thương Đức Giê-hô-va và người ta, chứ không phải vì muốn được ngưỡng mộ. Nếu vui mừng phụng sự ngài và phục vụ anh em đồng đạo theo bất cứ cách nào, dù người khác có để ý hay không, chúng ta cho thấy mình khiêm nhường.—Mat 6:​1-4.

“BIẾT SUY XÉT”

13. “Biết suy xét” có nghĩa gì?

13 “Biết suy xét” có nghĩa gì? (1 Phi 4:7). Một tín đồ biết suy xét thì cố gắng hết sức để đưa ra quyết định phản ánh lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Tín đồ đó biết rằng không điều gì trong đời sống quan trọng bằng mối quan hệ với ngài. Người ấy có quan điểm thăng bằng về bản thân, ý thức rằng mình không biết hết mọi điều. Người ấy cũng cho thấy mình nương cậy Đức Chúa Trời bằng cách thường xuyên đến gần ngài qua lời cầu nguyện. b

14. Phi-e-rơ cho thấy mình không nương cậy Đức Giê-hô-va trong trường hợp nào?

14 Vào đêm cuối cùng trước khi chết, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Trong đêm nay, hết thảy anh em sẽ vấp ngã vì điều xảy ra cho tôi”. Phi-e-rơ tự tin đáp lại: “Dù tất cả những người kia vấp ngã vì điều xảy ra cho Thầy, nhưng tôi sẽ không bao giờ vấp ngã!”. Cũng trong đêm ấy, Chúa Giê-su khuyên một số môn đồ: “Hãy luôn thức canh và không ngừng cầu nguyện” (Mat 26:​31, 33, 41). Nếu áp dụng lời khuyên đó, có thể Phi-e-rơ đã có sự can đảm để thừa nhận mình là môn đồ của Chúa Giê-su. Nhưng ông đã không làm thế. Ông chối bỏ Chủ mình và sau đó vô cùng ân hận.—Mat 26:​69-75.

15. Điều gì giúp Chúa Giê-su biết suy xét trong đêm cuối cùng ở trên đất?

15 Chúa Giê-su đã hoàn toàn nương cậy Đức Giê-hô-va. Dù là người hoàn hảo, ngài nhiều lần cầu nguyện với Cha vào đêm cuối cùng ở trên đất. Nhờ thế, ngài có sự can đảm để hành động phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va dành cho mình (Mat 26:​39, 42, 44; Giăng 18:​4, 5). Việc quan sát Chúa Giê-su cầu nguyện nhiều lần hẳn đã gây ấn tượng lâu dài với Phi-e-rơ.

16. Làm thế nào Phi-e-rơ cho thấy ông đã trở thành người biết suy xét? (1 Phi-e-rơ 4:7)

16 Theo thời gian, Phi-e-rơ nương cậy Đức Giê-hô-va nhiều hơn qua lời cầu nguyện. Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su đảm bảo với ông và các sứ đồ khác là họ sẽ nhận thần khí thánh để có thể hoàn thành sứ mạng rao giảng. Tuy nhiên, Chúa Giê-su bảo họ chờ đợi ở Giê-ru-sa-lem cho đến khi điều đó xảy ra (Lu 24:49; Công 1:​4, 5). Phi-e-rơ đã làm gì trong khi chờ đợi? Ông và các anh em đồng đạo “bền lòng cầu nguyện” (Công 1:​13, 14). Sau này, trong lá thư đầu tiên của mình, Phi-e-rơ khuyến khích anh em đồng đạo là hãy biết suy xét và nương cậy Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. (Đọc 1 Phi-e-rơ 4:7). Phi-e-rơ đã tập nương cậy ngài và trở thành một cột trụ của hội thánh.—Ga 2:9.

17. Dù có năng khiếu nào đi nữa, chúng ta cần tiếp tục làm gì? (Cũng xem hình).

17 Để biết suy xét, chúng ta cần thường xuyên đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Chúng ta nhận ra rằng mình cần tiếp tục cầu nguyện với ngài, dù có năng khiếu nào đi nữa. Vì thế, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn, nhất là khi đứng trước những quyết định quan trọng, và tin chắc ngài biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta.

Phi-e-rơ tập nương cậy Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Chúng ta cũng có thể biết suy xét bằng cách cầu xin ngài giúp đỡ, nhất là khi đứng trước quyết định quan trọng (Xem đoạn 17) c


18. Làm thế nào chúng ta có thể điều chỉnh lối suy nghĩ để giống với Đức Giê-hô-va hơn?

18 Thật biết ơn là Đức Giê-hô-va đã thiết kế chúng ta theo cách mà chúng ta có thể phản ánh các đức tính của ngài (Sáng 1:26). Dĩ nhiên, chúng ta không thể noi theo Đức Giê-hô-va một cách hoàn hảo (Ê-sai 55:9). Tuy nhiên, giống như Phi-e-rơ, chúng ta có thể điều chỉnh lối suy nghĩ để giống với ngài hơn. Mong sao chúng ta làm thế bằng cách tiếp tục noi theo lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va, vun trồng sự khiêm nhường và biết suy xét.

BÀI HÁT 30 Ngài là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn tôi

a “Tinh thần” được nói đến nơi 1 Phi-e-rơ 4:1 cũng có thể được dịch là “lối suy nghĩ, thái độ”.

b Để biết thêm thông tin về ý nghĩa của việc biết suy xét, xem mục “Giải thích câu Kinh Thánh”, bài “Giải thích 2 Ti-mô-thê 1:7​—‘Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát’”, phần “Óc suy xét”, trên jw.org hoặc trong ứng dụng JW Library®.

c HÌNH ẢNH: Một chị cầu nguyện thầm trong khi đợi để được phỏng vấn xin việc.