Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 11

BÀI HÁT 57 Rao giảng cho mọi loại người

Hãy noi theo lòng sốt sắng của Chúa Giê-su trong công việc rao giảng

Hãy noi theo lòng sốt sắng của Chúa Giê-su trong công việc rao giảng

“Chúa Giê-su… phái từng đôi đi trước ngài đến các thành, các nơi mà ngài sẽ đến”.LU 10:1.

TRỌNG TÂM

Bốn cách để noi theo lòng sốt sắng của Chúa Giê-su trong công việc rao giảng.

1. Điều khiến dân Đức Giê-hô-va khác với các tín đồ giả hiệu là gì?

 Một điều khiến tôi tớ của Đức Giê-hô-va khác biệt với các tín đồ giả hiệu là lòng sốt sắng a trong công việc rao giảng (Tít 2:14). Dù vậy, đôi khi có lẽ anh chị cảm thấy khó giữ nhiệt huyết trong công việc ấy. Có thể anh chị có cùng cảm nghĩ với một trưởng lão siêng năng đã thừa nhận như sau: “Đôi khi tôi cảm thấy không muốn rao giảng”.

2. Đôi khi điều gì khiến chúng ta khó giữ lòng sốt sắng trong công việc rao giảng?

2 Có lẽ chúng ta háo hức tham gia những hình thức phụng sự khác hơn là rao giảng. Tại sao? Khi xây dựng hoặc bảo trì cơ sở thần quyền, tham gia cứu trợ hoặc khích lệ anh em, chúng ta có thể thấy ngay kết quả và cảm thấy thỏa nguyện. Chúng ta thích bầu không khí hòa thuận và yêu thương khi cùng làm việc với các anh em, và biết rằng họ quý trọng những gì chúng ta làm cho họ. Trái lại, có lẽ chúng ta đã rao giảng nhiều năm trong một khu vực ít có sự hưởng ứng, hoặc gặp những người bác bỏ thông điệp của mình. Chúng ta cũng biết rằng sự kết thúc càng đến gần thì người ta sẽ càng chống đối hơn (Mat 10:22). Vậy, điều gì có thể giúp chúng ta duy trì và thậm chí gia tăng lòng sốt sắng trong công việc rao giảng?

3. Lu-ca 13:​6-9 đưa ra minh họa nào về lòng sốt sắng của Chúa Giê-su?

3 Chúng ta có thể rút ra bài học về lòng sốt sắng trong công việc rao giảng bằng cách xem xét gương của Chúa Giê-su. Ngài không bao giờ để mất đi lòng sốt sắng trong công việc này. Thực tế, ngài còn gia tăng thánh chức nhiều hơn. (Đọc Lu-ca 13:​6-9). Giống như người làm vườn nho dành ba năm để chăm sóc cây vả nhưng nó không sinh trái, Chúa Giê-su đã dành khoảng ba năm để rao giảng cho người Do Thái nhưng phần lớn họ không hưởng ứng. Tuy nhiên, như người làm vườn nho không từ bỏ hy vọng nơi cây vả, Chúa Giê-su cũng không bỏ cuộc hoặc chậm lại trong thánh chức. Trái lại, ngài nỗ lực nhiều hơn để động đến lòng họ.

4. Chúng ta sẽ xem gương của Chúa Giê-su trong bốn khía cạnh nào?

4 Bài này sẽ thảo luận Chúa Giê-su thể hiện lòng sốt sắng như thế nào, đặc biệt trong sáu tháng cuối thi hành thánh chức. Việc rút ra bài học từ những gì ngài dạy và noi theo những gì ngài làm sẽ giúp chúng ta giữ lòng sốt sắng. Hãy xem gương của Chúa Giê-su trong bốn khía cạnh: (1) Ngài tập trung vào ý muốn của Đức Giê-hô-va, (2) ngài chú ý đến lời tiên tri trong Kinh Thánh, (3) ngài nương cậy Đức Giê-hô-va để được hỗ trợ, và (4) ngài giữ quan điểm tích cực là sẽ có người lắng nghe.

NGÀI TẬP TRUNG VÀO Ý MUỐN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

5. Chúa Giê-su làm gì để cho thấy ngài tập trung vào việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời?

5 Chúa Giê-su sốt sắng rao giảng “tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” vì biết đó là công việc mà Đức Chúa Trời muốn ngài làm (Lu 4:43). Chúa Giê-su xem công việc ấy là trọng tâm trong đời sống. Ngay cả vào giai đoạn cuối của thánh chức, ngài “đi hết thành này đến thành khác, làng này sang làng nọ” để dạy dỗ người ta (Lu 13:22). Ngài cũng huấn luyện thêm các môn đồ để rao giảng tin mừng cùng với ngài.—Lu 10:1.

6. Các nhiệm vụ thần quyền khác liên quan thế nào đến công việc rao giảng? (Cũng xem hình).

6 Ngày nay cũng vậy, rao giảng tin mừng là công việc chính mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su muốn chúng ta làm (Mat 24:14; 28:​19, 20). Có sự liên quan chặt chẽ giữa công việc rao giảng và các nhiệm vụ thần quyền khác. Chẳng hạn, chúng ta xây dựng các cơ sở thần quyền hoặc phụng sự ở Bê-tên để hỗ trợ nhu cầu trong cánh đồng. Chúng ta tham gia cứu trợ không chỉ để giúp anh em về vật chất mà còn để giúp họ có lại nề nếp thiêng liêng, kể cả công việc rao giảng. Khi nhận ra tầm quan trọng của công việc này và nhớ rằng đó là công việc chính mà Đức Giê-hô-va muốn mình làm, chúng ta sẽ được thúc đẩy để tham gia thánh chức đều đặn. Anh János, một trưởng lão ở Hung-ga-ri, cho biết: “Tôi tự nhắc nhở mình rằng không hoạt động thần quyền nào có thể thay thế cho công việc rao giảng, đó là nhiệm vụ chính của chúng ta”.

Ngày nay, rao giảng tin mừng là công việc chính mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su muốn chúng ta làm (Xem đoạn 6)


7. Tại sao Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tiếp tục rao giảng? (1 Ti-mô-thê 2:​3, 4)

7 Chúng ta có thể gia tăng lòng sốt sắng trong thánh chức bằng cách có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về người ta. Ngài muốn càng nhiều người càng tốt nghe và hưởng ứng tin mừng. (Đọc 1 Ti-mô-thê 2:​3, 4). Để đạt được mục tiêu đó, ngài huấn luyện chúng ta trở nên hữu hiệu hơn trong việc chia sẻ thông điệp cứu mạng này. Chẳng hạn, sách mỏng Tình yêu thương giúp đào tạo môn đồ đưa ra những gợi ý thực tế giúp chúng ta bắt đầu cuộc trò chuyện với mục tiêu đào tạo môn đồ. Ngay cả nếu không hưởng ứng bây giờ, người ta có thể có cơ hội làm thế trước khi hoạn nạn lớn kết thúc. Những gì chúng ta nói với họ hiện nay có thể chính là điều thúc đẩy họ phụng sự Đức Giê-hô-va trong tương lai. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta tiếp tục rao giảng.

NGÀI CHÚ Ý ĐẾN LỜI TIÊN TRI TRONG KINH THÁNH

8. Việc biết các lời tiên tri trong Kinh Thánh tác động thế nào đến cách Chúa Giê-su dùng thời gian?

8 Chúa Giê-su biết lời tiên tri trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm thế nào. Ngài hiểu rằng thánh chức của mình sẽ chỉ kéo dài ba năm rưỡi (Đa 9:​26, 27). Ngài cũng biết những lời tiên tri về việc mình sẽ chết khi nào và như thế nào (Lu 18:​31-34). Chúa Giê-su để cho những gì ngài biết tác động đến cách dùng thời gian. Nhờ thế, ngài sốt sắng rao giảng để hoàn tất công việc được giao.

9. Tại sao lời tiên tri trong Kinh Thánh thúc đẩy chúng ta rao giảng với lòng sốt sắng?

9 Việc hiểu các lời tiên tri trong Kinh Thánh có thể thúc đẩy chúng ta rao giảng với lòng sốt sắng. Chúng ta biết thời gian còn lại của thế gian này rất ngắn ngủi. Chúng ta nhận ra rằng những sự kiện và thái độ của người ta ngày nay làm ứng nghiệm điều Kinh Thánh tiên tri về những ngày sau cùng. Chúng ta thấy sự đối địch giữa cường quốc thế giới Anh Mỹ với Nga và các đồng minh làm ứng nghiệm lời tiên tri về vua phương nam và vua phương bắc “vào thời kỳ cuối cùng” (Đa 11:40). Chúng ta cũng biết rằng cường quốc thế giới Anh Mỹ được tượng trưng bởi bàn chân của pho tượng nơi Đa-ni-ên 2:​43-45. Dựa vào lời tiên tri này, chúng ta tin chắc không lâu nữa Nước Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt các chính phủ loài người. Thật vậy, điều đó đang gần kề. Tất cả các lời tiên tri này cho thấy chúng ta đang ở đâu trong dòng thời gian và thúc đẩy chúng ta rao giảng với tinh thần cấp bách.

10. Lời tiên tri trong Kinh Thánh khơi dậy lòng sốt sắng của chúng ta qua những cách nào khác?

10 Lời tiên tri trong Kinh Thánh cũng chứa đựng thông điệp mà chúng ta rất háo hức để chia sẻ. Chị Carrie, phụng sự ở Cộng hòa Dominica, cho biết: “Những lời hứa ấm lòng của Đức Giê-hô-va về tương lai tốt đẹp hơn thúc đẩy tôi chia sẻ chân lý với người khác”. Chị nói thêm: “Khi thấy người ta đang phải đối mặt với những vấn đề nào ngày nay, tôi nhận ra những lời hứa ấy không chỉ dành cho mình, mà còn cho họ nữa”. Ngoài ra, lời tiên tri trong Kinh Thánh thúc đẩy chúng ta không ngần ngại rao giảng vì chúng ta biết Đức Giê-hô-va hỗ trợ công việc này. Chị Leila, sống ở Hung-ga-ri, cho biết: “Ê-sai 11:​6-9 thúc đẩy tôi chia sẻ ngay cả với những người bề ngoài trông có vẻ như sẽ không chấp nhận tin mừng. Tôi biết bất cứ ai cũng có thể thay đổi với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va”. Và anh Christopher ở Zambia nói: “Như Mác 13:10 tiên tri, tin mừng đang được lan rộng khắp thế giới, nên tôi cảm thấy vinh dự khi được góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri này”. Còn anh chị, những lời tiên tri nào thúc đẩy anh chị tiếp tục rao giảng?

NGÀI NƯƠNG CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ

11. Tại sao Chúa Giê-su cần nương cậy Đức Giê-hô-va để tiếp tục sốt sắng rao giảng? (Lu-ca 12:​49, 53)

11 Chúa Giê-su nương cậy Đức Giê-hô-va để tiếp tục sốt sắng rao giảng. Dù khéo léo trong công việc này, Chúa Giê-su biết tin mừng về Nước Trời sẽ gây ra những cuộc tranh cãi và chống đối dữ dội. (Đọc Lu-ca 12:​49, 53). Vì công việc rao giảng của Chúa Giê-su mà các nhà lãnh đạo tôn giáo nhiều lần tìm cách giết ngài (Giăng 8:59; 10:​31, 39). Nhưng ngài vẫn tiếp tục rao giảng vì biết Đức Giê-hô-va ở với mình. Chúa Giê-su nói: “Tôi không chỉ một mình mà có Cha, là đấng phái tôi đến, ở với tôi… Ngài không bỏ mặc tôi, vì tôi luôn làm điều đẹp lòng ngài”.—Giăng 8:​16, 29.

12. Chúa Giê-su chuẩn bị cho các môn đồ như thế nào để tiếp tục rao giảng khi bị chống đối?

12 Chúa Giê-su nhắc các môn đồ nhớ rằng họ có thể nương cậy Đức Giê-hô-va để được hỗ trợ. Ngài nhiều lần trấn an họ rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ ngay cả khi họ đối mặt với sự ngược đãi (Mat 10:​18-20; Lu 12:​11, 12). Vì biết các môn đồ sẽ bị chống đối, ngài khuyến khích họ thận trọng (Mat 10:16; Lu 10:3). Ngài nói rằng họ không nên ép người khác nghe thông điệp nếu người đó không muốn nghe (Lu 10:​10, 11). Ngài bảo họ trốn đi nếu bị ngược đãi (Mat 10:23). Dù sốt sắng và tin cậy Đức Giê-hô-va, nhưng Chúa Giê-su tránh những tình huống nguy hiểm khi có thể.—Giăng 11:​53, 54.

13. Tại sao anh chị có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ mình?

13 Ngày nay, chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để tiếp tục sốt sắng rao giảng dù gặp sự chống đối (Khải 12:17). Tại sao anh chị có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ hỗ trợ mình? Hãy xem lời cầu nguyện của Chúa Giê-su nơi Giăng chương 17. Ngài cầu xin Đức Giê-hô-va gìn giữ các sứ đồ, và Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện đó. Sách Công vụ tường thuật cách Đức Giê-hô-va giúp các sứ đồ rao giảng sốt sắng bất kể sự ngược đãi. Trong lời cầu nguyện, Chúa Giê-su cũng xin Đức Giê-hô-va gìn giữ những ai đặt đức tin nơi thông điệp mà các sứ đồ rao giảng và trở thành môn đồ của ngài, trong đó có anh chị. Hiện nay, Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục đáp lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su. Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị giống như đã giúp các sứ đồ.—Giăng 17:​11, 15, 20.

14. Tại sao chúng ta tin chắc mình có thể tiếp tục sốt sắng rao giảng? (Cũng xem hình).

14 Khi sự kết thúc đến gần, có lẽ sẽ khó hơn để rao giảng tin mừng với lòng sốt sắng, nhưng chúng ta sẽ nhận được mọi sự hỗ trợ cần thiết (Lu 21:​12-15). Giống như Chúa Giê-su và các môn đồ, chúng ta để cho người ta quyết định họ có lắng nghe hay không, và tránh những cuộc tranh cãi. Ngay cả khi công việc của chúng ta bị hạn chế, các anh em vẫn tiếp tục công bố tin mừng vì họ nương cậy Đức Giê-hô-va, chứ không phải sức riêng. Giống như vào thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va đã ban sức mạnh cho các tôi tớ ngài, ngày nay ngài ban cho chúng ta sức mạnh để “công việc rao giảng được thực hiện trọn vẹn” theo ý muốn ngài (2 Ti 4:17). Anh chị có thể tin chắc rằng nếu nương cậy Đức Giê-hô-va, anh chị có thể tiếp tục sốt sắng rao giảng.

Ngay cả khi công việc của chúng ta bị hạn chế, những anh chị sốt sắng vẫn tìm cách chia sẻ niềm tin một cách thận trọng (Xem đoạn 14) b


NGÀI GIỮ QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC

15. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su có quan điểm tích cực về thánh chức?

15 Chúa Giê-su giữ quan điểm tích cực về công việc rao giảng. Điều đó giúp ngài tiếp tục sốt sắng trong thánh chức. Chẳng hạn, vào cuối năm 30 CN, Chúa Giê-su thấy nhiều người sẵn sàng hưởng ứng công việc rao giảng của ngài, và ngài ví họ với cánh đồng chín vàng đang chờ gặt hái (Giăng 4:35). Khoảng một năm sau, ngài nói với các môn đồ: “Mùa gặt thì trúng” (Mat 9:​37, 38). Vào một dịp khác, ngài nhấn mạnh lại lần nữa: “Mùa gặt thì trúng… Hãy nài xin Chủ mùa gặt sai thợ gặt đến thu hoạch vụ mùa” (Lu 10:2). Chúa Giê-su luôn tin chắc sẽ có người hưởng ứng tin mừng, và ngài rất vui khi họ làm thế.—Lu 10:21.

16. Làm thế nào các minh họa của Chúa Giê-su cho thấy quan điểm tích cực về thánh chức? (Lu-ca 13:​18-21) (Cũng xem hình).

16 Chúa Giê-su dạy các môn đồ giữ quan điểm tích cực về thông điệp của họ, nhờ đó họ sẽ tiếp tục sốt sắng. Chẳng hạn, hãy xem hai minh họa của ngài. (Đọc Lu-ca 13:​18-21). Chúa Giê-su ví thông điệp Nước Trời với hạt cải phát triển thành cây to lớn. Điều này có nghĩa là thông điệp ấy sẽ lan rộng một cách đáng kinh ngạc và không ai có thể ngăn cản được. Trong minh họa khác, Chúa Giê-su ví thông điệp Nước Trời với men, vì thông điệp ấy sẽ được rao truyền ở nhiều nơi trên thế giới và mang lại những thay đổi không nhìn thấy ngay được. Qua hai minh họa này, Chúa Giê-su cho các môn đồ thấy rằng thông điệp mà họ rao giảng sẽ giúp nhiều người.

Như Chúa Giê-su, chúng ta giữ quan điểm tích cực là vẫn có người sẽ hưởng ứng công việc rao giảng (Xem đoạn 16)


17. Chúng ta giữ quan điểm tích cực về thánh chức vì những lý do nào?

17 Chúng ta được thúc đẩy để tiếp tục sốt sắng rao giảng khi xem xét những thành quả đạt được trên thế giới hiện nay. Hằng năm, có hàng triệu người chú ý tham dự Lễ Tưởng Niệm và tìm hiểu Kinh Thánh với chúng ta. Hàng trăm ngàn người báp-têm và cùng chúng ta tham gia công việc rao giảng. Chúng ta không biết còn bao nhiêu người nữa sẽ hưởng ứng công việc này, nhưng chúng ta biết Đức Giê-hô-va đang thu nhóm đám đông lớn, là những người sẽ sống sót qua hoạn nạn lớn sắp đến (Khải 7:​9, 14). Chủ mùa gặt vẫn thấy có tiềm năng trong cánh đồng, nên chúng ta có lý do chính đáng để tiếp tục rao giảng.

18. Chúng ta muốn người ta thấy điều gì về mình?

18 Các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su luôn sốt sắng rao giảng tin mừng. Khi các sứ đồ làm chứng dạn dĩ, những người chứng kiến đã “nhận ra [họ] từng ở với Chúa Giê-su” (Công 4:13). Khi chúng ta rao giảng, mong sao người ta thấy chúng ta cũng đang noi theo lòng sốt sắng của Chúa Giê-su.

BÀI HÁT 58 Tìm kiếm người yêu chuộng sự bình an

a GIẢI NGHĨA: Trong bài này, “sốt sắng” muốn nói đến sự nhiệt tâm và hăng hái mà các tín đồ có trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va.

b HÌNH ẢNH: Một anh thận trọng khi rao giảng cho một người ở trạm xăng.