BÀI HỌC 9
BÀI HÁT 51 Chúng ta dâng mình cho Đức Chúa Trời!
Đừng chần chừ chịu phép báp-têm
“Sao anh còn chần chừ? Hãy đứng dậy, chịu phép báp-têm”.—CÔNG 22:16.
TRỌNG TÂM
Tìm được sức mạnh cần thiết để tiến bộ đến bước báp-têm bằng cách xem xét gương của người Sa-ma-ri, Sau-lơ người Tạt-sơ, Cọt-nây và người Cô-rinh-tô.
1. Một số lý do để chịu phép báp-têm là gì?
Anh chị có yêu thương Đức Giê-hô-va, đấng ban cho anh chị mọi món quà tốt lành, ngay cả sự sống không? Anh chị có muốn thể hiện tình yêu thương đối với ngài không? Cách tốt nhất để làm thế là dâng mình cho ngài và biểu trưng sự dâng mình ấy qua việc báp-têm trong nước. Nhờ thực hiện những bước đó, anh chị trở thành thành viên của gia đình Đức Giê-hô-va. Kết quả là Cha trên trời, cũng là Bạn của anh chị, sẽ hướng dẫn và chăm sóc anh chị vì anh chị thuộc về ngài (Thi 73:24; Ê-sai 43:1, 2). Việc dâng mình và báp-têm cũng mang lại cho anh chị triển vọng sống mãi mãi.—1 Phi 3:21.
2. Bài này sẽ xem xét điều gì?
2 Có điều gì đang cản trở anh chị chịu phép báp-têm không? Nếu có, không chỉ anh chị ở trong trường hợp đó. Hàng triệu người đã phải thực hiện những thay đổi về hạnh kiểm và lối suy nghĩ để hội đủ điều kiện báp-têm. Giờ đây, họ vui mừng và sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va. Anh chị có thể học được gì từ một số người báp-têm vào thế kỷ thứ nhất? Hãy xem những trở ngại mà họ phải đối mặt và những điều chúng ta có thể học được từ gương của họ.
NHỮNG NGƯỜI SA-MA-RI CHỊU PHÉP BÁP-TÊM
3. Một số người Sa-ma-ri đối mặt với những trở ngại nào để báp-têm?
3 Người Sa-ma-ri vào thời Chúa Giê-su thuộc một giáo phái ở vùng Si-chem và Sa-ma-ri cổ xưa, phía bắc của Giu-đê. Trước khi có thể báp-têm, người Sa-ma-ri phải hiểu biết đầy đủ hơn về Lời Đức Chúa Trời. Họ tin rằng Đức Chúa Trời chỉ soi dẫn năm sách đầu của Kinh Thánh, từ Sáng thế đến Phục truyền luật lệ, và có thể cả sách Giô-suê. Tuy nhiên, người Sa-ma-ri cũng trông mong Đấng Mê-si sẽ đến, dựa trên lời hứa của Đức Chúa Trời ghi nơi Phục truyền luật lệ 18:18, 19 (Giăng 4:25). Để báp-têm, họ cần chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si được hứa trước. “Nhiều người Sa-ma-ri” đã làm thế (Giăng 4:39). Những người khác có lẽ phải vượt qua thành kiến giữa người Sa-ma-ri và người Do Thái.—Lu 9:52-54.
4. Theo Công vụ 8:5, 6, 14, một số người Sa-ma-ri đã phản ứng thế nào khi Phi-líp rao giảng cho họ?
4 Điều gì giúp người Sa-ma-ri báp-têm? Khi người rao truyền tin mừng là Phi-líp “rao giảng về Đấng Ki-tô” cho họ, một số người Sa-ma-ri đã “chấp nhận lời Đức Chúa Trời”. (Đọc Công vụ 8:5, 6, 14). Dù Phi-líp là người Do Thái nhưng họ không bác bỏ lời của ông. Có lẽ họ nhớ đến những câu trong Ngũ Thư cho thấy Đức Chúa Trời không thiên vị (Phục 10:17-19). Dù sao đi nữa, họ đã “chú ý đến lời của Phi-líp” về Đấng Ki-tô, và nhận ra bằng chứng rõ ràng là Đức Chúa Trời đang hỗ trợ ông. Phi-líp cũng thực hiện nhiều dấu lạ, trong đó có việc chữa lành người bệnh và đuổi quỷ.—Công 8:7.
5. Anh chị học được gì từ người Sa-ma-ri?
5 Những người Sa-ma-ri đó đã có thể để cho thành kiến hoặc việc thiếu hiểu biết ngăn cản họ tiến bộ. Nhưng họ không làm thế. Người Sa-ma-ri không chần chừ chịu phép báp-têm sau khi tin chắc rằng Phi-líp đã dạy họ chân lý. Lời tường thuật của Kinh Thánh cho biết: “Khi nghe Phi-líp công bố tin mừng về Nước Đức Chúa Trời và về danh Chúa Giê-su Ki-tô thì họ tin, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều chịu phép báp-têm” (Công 8:12). Anh chị có tin chắc Lời Đức Chúa Trời là chân lý không? Anh chị có tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va vượt qua thành kiến và nỗ lực thể hiện tình yêu thương chân thật, là dấu hiệu nhận diện tín đồ chân chính không? (Giăng 13:35). Nếu có, đừng chần chừ chịu phép báp-têm và tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho anh chị.
6. Anh chị nhận được lợi ích nào từ kinh nghiệm của anh Ruben?
6 Anh Ruben, ở Đức, lớn lên trong gia đình Nhân Chứng. Nhưng khi còn trẻ, anh nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Giê-hô-va. Anh đã vượt qua mối nghi ngờ đó như thế nào? Nhận ra mình thiếu sự hiểu biết, anh đã quyết định hành động. Anh nói: “Tôi cần giải tỏa mối nghi ngờ của mình qua việc học hỏi cá nhân. Vì thế, tôi nghiên cứu về đề tài tiến hóa nhiều lần”. Anh đọc sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?. Sách đó đã tác động rất lớn đến anh Ruben. Anh tự nhủ: “Ồ! Đức Giê-hô-va quả là đấng có thật”. Và trong chuyến tham quan trụ sở trung ương, anh Ruben càng quý trọng đoàn thể anh em quốc tế hợp nhất của chúng ta. Khi trở về Đức, anh đã báp-têm ở tuổi 17. Nếu nghi ngờ về những điều đã học, anh chị hãy giải tỏa bằng cách nghiên cứu các ấn phẩm của chúng ta. Chúng ta có thể vượt qua các mối nghi ngờ nhờ “sự hiểu biết chính xác” (Ê-phê 4:13, 14). Và khi nghe kinh nghiệm về tình yêu thương và sự hợp nhất trong vòng dân của Đức Giê-hô-va ở những nước khác cũng như thấy điều đó trong hội thánh mà anh chị kết hợp, anh chị sẽ càng quý trọng đoàn thể anh em của chúng ta trên thế giới.
SAU-LƠ NGƯỜI TẠT-SƠ CHỊU PHÉP BÁP-TÊM
7. Sau-lơ phải thay đổi suy nghĩ nào?
7 Hãy xem gương của Sau-lơ người Tạt-sơ. Ông rất thăng tiến trong Do Thái giáo và là người Do Thái có xuất thân ấn tượng (Ga 1:13, 14; Phi-líp 3:5). Có thời điểm Sau-lơ giận dữ ngược đãi các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vì nhiều người Do Thái xem họ là những kẻ bội đạo. Ông sai lầm cho rằng mình đang làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Công 8:3; 9:1, 2; 26:9-11). Để thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su và báp-têm trở thành tín đồ, Sau-lơ phải sẵn sàng trở thành mục tiêu của sự ngược đãi.
8. (a) Điều gì giúp Sau-lơ báp-têm? (b) Theo Công vụ 22:12-16, A-na-nia đã giúp Sau-lơ như thế nào? (Cũng xem hình).
8 Điều gì giúp Sau-lơ báp-têm? Khi Chúa Giê-su từ trời phán với ông, một ánh sáng chói lòa khiến ông bị mù (Công 9:3-9). Trong ba ngày, ông kiêng ăn và hẳn đã suy ngẫm về điều mới xảy ra với mình. Những điều đó giúp Sau-lơ tin chắc rằng Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si và các môn đồ ngài đang theo tôn giáo chân chính. Hẳn Sau-lơ vô cùng ân hận vì đã góp phần vào cái chết của Ê-tiên! (Công 22:20). Cuối ba ngày đó, một môn đồ tên A-na-nia đã nhân từ đến gặp Sau-lơ, giúp ông được sáng mắt và khuyến khích ông báp-têm mà không chần chừ. (Đọc Công vụ 22:12-16). Sau-lơ đã khiêm nhường chấp nhận sự giúp đỡ và chịu phép báp-têm.—Công 9:17, 18.
Như Sau-lơ, anh chị sẽ nghe theo lời khuyến khích báp-têm không? (Xem đoạn 8)
9. Anh chị học được gì từ Sau-lơ?
9 Chúng ta có thể rút ra bài học từ Sau-lơ. Ông đã có thể để cho sự kiêu ngạo hoặc nỗi sợ loài người ngăn cản mình báp-têm. Nhưng ông không làm thế. Sau-lơ khiêm nhường thay đổi lối sống khi chấp nhận thông điệp về Đấng Ki-tô (Công 26:14, 19). Sau-lơ sẵn sàng trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô dù biết rằng ông sẽ bị ngược đãi (Công 9:15, 16; 20:22, 23). Sau khi báp-têm, ông tiếp tục nương cậy Đức Giê-hô-va để chịu đựng nhiều thử thách khác nhau (2 Cô 4:7-10). Sau khi báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, anh chị có thể phải đối mặt với thử thách về đức tin hoặc khó khăn, nhưng anh chị sẽ có sự giúp đỡ. Anh chị có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô sẽ luôn hỗ trợ mình.—Phi-líp 4:13.
10. Anh chị nhận được lợi ích nào từ kinh nghiệm của chị Anna?
10 Chị Anna lớn lên trong gia đình người Kurd ở Đông Âu. Sau khi mẹ chị báp-têm, chị được cha cho phép tìm hiểu Kinh Thánh năm 9 tuổi. Tuy nhiên, điều đó khiến chị gặp vấn đề với những người bà con sống cùng gia đình chị. Họ xem việc một người từ bỏ đạo của ông bà là nỗi sỉ nhục. Năm 12 tuổi, chị Anna xin cha cho phép chị báp-têm. Ông muốn biết chị tự quyết định điều đó hay bị người khác gây áp lực. Chị đáp: “Con yêu thương Đức Giê-hô-va”. Người cha đồng ý cho chị báp-têm. Sau đó, chị Anna bị bà con chế giễu và đối xử tệ. Ông nội chị nói: “Thà cháu sống buông tuồng và hút thuốc còn hơn là trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va”. Chị Anna đương đầu như thế nào? Chị cho biết: “Đức Giê-hô-va đã giúp tôi mạnh mẽ, và cha mẹ hỗ trợ tôi rất nhiều”. Chị Anna ghi ra danh sách những lúc cụ thể mà chị cảm nhận bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống. Thỉnh thoảng chị xem lại để không quên ngài đã giúp mình như thế nào. Nếu anh chị sợ bị chống đối, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va cũng sẽ giúp anh chị.—Hê 13:6.
CỌT-NÂY CHỊU PHÉP BÁP-TÊM
11. Có lẽ Cọt-nây gặp trở ngại nào?
11 Kinh Thánh cũng nói đến gương của Cọt-nây. Ông là một sĩ quan chỉ huy khoảng 100 lính La Mã (Công 10:1, chú thích). Vì thế, có lẽ ông có địa vị nổi bật trong xã hội và quân đội. Cọt-nây cũng “bố thí cho người nghèo” (Công 10:2). Đức Giê-hô-va sai sứ đồ Phi-e-rơ đến công bố tin mừng cho ông. Địa vị của Cọt-nây có khiến ông chần chừ báp-têm không?
12. Điều gì giúp Cọt-nây báp-têm?
12 Điều gì giúp Cọt-nây báp-têm? Kinh Thánh cho biết “ông và cả nhà đều kính sợ Đức Chúa Trời”. Và Cọt-nây thường xuyên cầu nguyện tha thiết với ngài (Công 10:2). Khi nghe Phi-e-rơ công bố tin mừng, Cọt-nây và cả gia đình đều đặt đức tin nơi Đấng Ki-tô và không chần chừ chịu phép báp-têm (Công 10:47, 48). Hẳn Cọt-nây sẵn sàng thực hiện bất cứ sự điều chỉnh cần thiết nào để có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va cùng với gia đình mình.—Giô-suê 24:15; Công 10:24, 33.
13. Anh chị học được gì từ Cọt-nây?
13 Giống như Sau-lơ, Cọt-nây đã có thể để cho địa vị ngăn cản mình trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Nhưng ông không làm thế. Để chấp nhận chân lý, anh chị có cần phải thực hiện những thay đổi lớn trong đời sống không? Nếu có thì Đức Giê-hô-va sẽ trở thành Đấng Giúp Đỡ của anh chị. Ngài sẽ giúp anh chị thành công khi anh chị quyết tâm áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh để phụng sự ngài.
14. Anh chị nhận được lợi ích nào từ kinh nghiệm của anh Tsuyoshi?
14 Anh Tsuyoshi, ở Nhật Bản, cần điều chỉnh công việc để có thể hội đủ điều kiện báp-têm. Anh là trợ lý cho hiệu trưởng của một trường cắm hoa nghệ thuật nổi tiếng. Khi hiệu trưởng không thể tham dự tang lễ của khách hàng, anh thường đại diện cho ông để tham gia các nghi lễ đạo Phật tại đó. Tuy nhiên, khi học sự thật về tình trạng người chết, anh biết rằng việc tiếp tục tham gia các nghi lễ đó cản trở anh báp-têm. Anh đã quyết định không tham gia các nghi lễ đạo Phật nữa (2 Cô 6:15, 16). Anh nói chuyện với hiệu trưởng về vấn đề đó. Kết quả là gì? Anh vẫn có thể giữ công việc của mình mà không cần phải tham gia các nghi lễ. Anh báp-têm khoảng một năm sau khi tìm hiểu Kinh Thánh. a Nếu cần phải điều chỉnh công việc để làm Đức Giê-hô-va vui lòng, anh chị có thể tin chắc rằng ngài sẽ cung cấp những gì anh chị và gia đình cần.—Thi 127:2; Mat 6:33.
NGƯỜI CÔ-RINH-TÔ CHỊU PHÉP BÁP-TÊM
15. Người Cô-rinh-tô đối mặt với những trở ngại nào để báp-têm?
15 Thành Cô-rinh-tô xưa được biết đến là theo chủ nghĩa vật chất và bại hoại về đạo đức. Nhiều người ở đó theo lối sống mà Đức Chúa Trời không chấp nhận. Rõ ràng, một người sống trong môi trường ấy rất khó hưởng ứng tin mừng. Tuy nhiên, khi sứ đồ Phao-lô đến thành đó và rao giảng tin mừng về Đấng Ki-tô, “nhiều người Cô-rinh-tô đã nghe giảng cũng tin và chịu phép báp-têm” (Công 18:7-11). Rồi Chúa Giê-su hiện ra với Phao-lô trong một khải tượng và nói: “Tôi có nhiều người trong thành này”. Vì thế, ông tiếp tục rao giảng ở đó thêm một năm rưỡi.
16. Điều gì giúp một số người Cô-rinh-tô vượt qua trở ngại để báp-têm? (2 Cô-rinh-tô 10:4, 5)
16 Điều gì giúp người Cô-rinh-tô báp-têm? (Đọc 2 Cô-rinh-tô 10:4, 5). Lời Đức Chúa Trời và thần khí thánh mạnh mẽ của ngài đã giúp họ thực hiện những thay đổi đáng kể trong đời sống (Hê 4:12). Những người Cô-rinh-tô chấp nhận tin mừng đã bỏ được những thực hành và thói quen như say sưa, trộm cắp và đồng tính.—1 Cô 6:9-11. b
17. Anh chị học được gì từ người Cô-rinh-tô?
17 Hãy lưu ý rằng một số người Cô-rinh-tô phải vượt qua những thói quen đã ăn sâu trong họ. Nhưng họ không cho rằng trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô là quá khó. Họ đã cố gắng hết sức để đi trên đường chật dẫn đến sự sống vĩnh cửu (Mat 7:13, 14). Anh chị có đang tranh đấu để vượt qua một thói xấu hoặc thực hành sai trái để có thể báp-têm không? Đừng bao giờ bỏ cuộc! Hãy nài xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh để giúp anh chị kháng cự ham muốn làm điều sai trái.
18. Anh chị nhận được lợi ích nào từ kinh nghiệm của chị Monika?
18 Chị Monika, ở Georgia, đã nỗ lực từ bỏ cách nói năng ô uế và hình thức giải trí không lành mạnh để tiến bộ đến bước báp-têm. Chị cho biết: “Khi ở tuổi thanh thiếu niên, lời cầu nguyện đã cho tôi sức mạnh. Đức Giê-hô-va biết tôi muốn làm điều đúng, và ngài luôn giúp đỡ và hướng dẫn tôi”. Chị Monika báp-têm năm 16 tuổi. Anh chị có phải từ bỏ một số thực hành để phụng sự Đức Giê-hô-va không? Hãy tiếp tục cầu xin ngài ban sức mạnh để thực hiện những thay đổi. Đức Giê-hô-va luôn rộng rãi ban thần khí.—Giăng 3:34.
ĐỨC TIN CỦA ANH CHỊ CÓ THỂ DỜI ĐƯỢC NÚI
19. Điều gì có thể giúp anh chị vượt qua những trở ngại giống như núi? (Cũng xem hình).
19 Dù anh chị đang đương đầu với trở ngại nào để báp-têm, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va yêu thương anh chị và muốn anh chị thuộc về gia đình của ngài. Chúa Giê-su nói với một nhóm môn đồ vào thế kỷ thứ nhất: “Nếu anh em có đức tin chỉ bằng hạt cải thì khi anh em bảo núi này: ‘Hãy dời từ đây qua đó’, nó sẽ dời đi. Chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mat 17:20). Những môn đồ ấy chỉ mới theo Chúa Giê-su vài năm nên đức tin của họ vẫn cần lớn mạnh. Nhưng Chúa Giê-su đảm bảo rằng nếu họ vun trồng đức tin mạnh, Đức Giê-hô-va sẽ giúp họ “dời” được những trở ngại giống như núi. Và ngài cũng sẽ giúp anh chị làm thế!
Hãy tin chắc Đức Giê-hô-va yêu thương anh chị và muốn anh chị thuộc về gia đình ngài (Xem đoạn 19) c
20. Gương của các tín đồ được đề cập trong bài này khích lệ anh chị như thế nào?
20 Nếu anh chị nhận ra là có một số trở ngại ngăn cản mình báp-têm, hãy nhanh chóng thực hiện những bước để loại bỏ chúng. Hãy nghĩ đến gương của các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất và thời nay để được an ủi và thêm sức. Mong sao gương của họ khích lệ và thúc đẩy anh chị dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. Đó là quyết định tốt nhất trong đời!
BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ
a Kinh nghiệm của anh Tsuyoshi Fujii được đăng trong Tỉnh Thức! ngày 8-8-2005, trg 20-23 (Anh ngữ).
b Xem video ‘Sao lại trì hoãn việc làm báp-têm?’ trên jw.org.
c HÌNH ẢNH: Một nhóm các anh chị nồng nhiệt chào đón các anh chị vừa mới báp-têm.