Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phụng sự Đức Giê-hô-va trong “những ngày gian-nan”

Phụng sự Đức Giê-hô-va trong “những ngày gian-nan”

Anh Ernst *, tuổi đã ngoài 70, than thở: “Các vấn đề về sức khỏe khiến tôi ngày càng gặp nhiều khó khăn”. Anh chị nghe câu này có quen không? Nếu ngày càng cao tuổi và cảm thấy sức khỏe hao mòn dần, rất có thể anh chị cảm nhận được điều miêu tả trong sách Truyền-đạo chương 12. Câu 1 gọi những năm tháng của tuổi già là “những ngày gian-nan”. Dù vậy, anh chị không nhất thiết phải sống một cuộc sống ảm đạm. Anh chị vẫn có thể có được đời sống đầy ý nghĩa và vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va.

GÌN GIỮ ĐỨC TIN MẠNH

Các anh chị cao niên thân mến, anh chị không cô độc khi phải chịu đựng nỗi gian truân. Những tôi tớ cao tuổi của Đức Giê-hô-va vào thời Kinh Thánh cũng gặp các thử thách tương tự. Chẳng hạn như Y-sác, Gia-cốp và A-hi-gia không còn nhìn thấy được (Sáng 27:1; 48:10; 1 Vua 14:4). Sa-ra cảm thấy “cằn cỗi” (Sáng 18:11, 12, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Vua Đa-vít “không thể ấm được” (1 Vua 1:1). Người giàu có Bát-xi-lai không còn thưởng thức được âm nhạc hoặc mùi vị của thức ăn (2 Sa 19:32-35). Cả Áp-ra-ham và Na-ô-mi đều phải đương đầu với nỗi đau mất bạn đời.—Sáng 23:1, 2; Ru 1:3, 12.

Điều gì giúp mỗi người trong số họ tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va và giữ được niềm vui? Trong lúc tuổi già, nhờ tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham đã “trở nên mạnh mẽ bởi đức tin” (Rô 4:19, 20). Chúng ta cũng cần có đức tin mạnh mẽ. Đức tin như thế không phụ thuộc vào tuổi tác, khả năng hoặc hoàn cảnh của chúng ta. Chẳng hạn, ngay cả khi đã già yếu, mù lòa và nằm liệt giường, tộc trưởng Gia-cốp vẫn thể hiện đức tin mạnh mẽ nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời (Sáng 48:1-4, 10; Hê 11:21). Ngày nay, chị Ines 93 tuổi bị bệnh nhược cơ, nhưng chị vẫn nói rằng: “Mỗi ngày tôi đều cảm thấy được Đức Giê-hô-va ban thưởng dồi dào. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về địa đàng. Điều đó mang lại cho tôi hy vọng”. Quả là một tinh thần lạc quan!

Chúng ta được vững mạnh về đức tin nhờ cầu nguyện, xem xét Lời Đức Chúa Trời và tham dự các buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô. Nhà tiên tri cao tuổi Đa-ni-ên cầu nguyện một ngày ba lần và tiếp tục học hỏi Lời Đức Chúa Trời (Đa 6:10; 9:2). Bà góa lớn tuổi An-na “không bao giờ vắng mặt trong đền thờ” (Lu 2:36, 37). Khi dự nhóm họp bất cứ lúc nào có thể và tham gia trong khả năng của mình, anh chị sẽ giúp chính mình và mọi người tham dự cùng được tươi tỉnh. Đức Giê-hô-va luôn hài lòng với lời cầu nguyện của anh chị, kể cả khi anh chị bị giới hạn trong việc phụng sự.—Châm 15:8.

Khích lệ lẫn nhau

Trong số các anh chị trung thành, nhiều người muốn nhìn thấy được để có thể đọc và muốn có đủ sức để đến dự nhóm họp, nhưng anh chị thấy ngày càng khó, hay thậm chí là không thể. Vậy anh chị có thể làm gì? Hãy tận dụng bất cứ điều gì có thể. Nhiều anh chị không thể đến dự nhóm họp thì vui thích nghe qua điện thoại. Dù thị lực yếu dần, nhưng chị Inge 79 tuổi vẫn chuẩn bị cho các buổi nhóm nhờ dùng các bản in với cỡ chữ rất lớn do một anh ở hội thánh in giúp từ máy tính.

Có thể anh chị có một điều mà người khác muốn, đó là thời gian. Sao anh chị không dùng thì giờ để nghe những bản thu âm của Kinh Thánh, ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, các bài giảng và các vở kịch? Anh chị cũng có thể chủ động gọi điện cho anh em đồng đạo để chia sẻ những lời mang tính xây dựng, tức món quà thiêng liêng, và có được sự “khích lệ lẫn nhau”.—Rô 1:11, 12.

TIẾP TỤC TÍCH CỰC PHỤNG SỰ ĐỨC CHÚA TRỜI

Rao giảng Lời Đức Chúa Trời

Chị Christa, khoảng 85 tuổi, bày tỏ sự nuối tiếc: “Thật đáng buồn khi không thể phụng sự được nhiều như trước”. Vậy làm thế nào những anh chị cao niên có thể giữ được niềm vui? Anh Peter, 75 tuổi, nói: “Bằng cái nhìn lạc quan. Đừng luôn luôn nghĩ về những điều mình không thể làm được nữa, nhưng hãy vui thích về điều mình có thể làm”.

Anh chị có thể nghĩ về những cách làm chứng vẫn còn rộng mở với mình không? Chị Heidi không thể đi từ nhà này sang nhà kia như trước. Dù đã ngoài 80 nhưng chị vẫn học cách dùng máy vi tính để viết thư. Một số người công bố cao tuổi bắt đầu chia sẻ về Kinh Thánh khi ngồi ở ghế công viên hay tại bến xe buýt. Hoặc nếu đang sống trong viện dưỡng lão, anh chị có thể xem đó là “khu vực” riêng gồm các nhân viên chăm sóc y tế cho mình và những người khác sống ở đó không?

Tỏ lòng hiếu khách

Ở tuổi xế chiều, vua Đa-vít hăng hái đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch. Ông đóng góp tiền bạc và tổ chức hỗ trợ cho việc xây cất một đền thờ (1 Sử 28:11–29:5). Tương tự, anh chị có thể tích cực chú tâm đến những điều đang được thực hiện liên quan đến công việc Nước Trời trên toàn cầu. Sao không hỗ trợ các tiên phong hoặc những người công bố sốt sắng khác trong hội thánh bằng những lời động viên khích lệ, một món quà nhỏ hoặc món ăn uống đơn giản? Trong lời cầu nguyện, anh chị có thể nhắc đến các gia đình và người trẻ, những tôi tớ phụng sự trọn thời gian, người đang đau ốm và các anh chị đang phải gánh vác nhiều trách nhiệm.

Anh chị và việc phụng sự của anh chị rất được quý trọng. Cha trên trời của chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ anh chị, những anh chị cao niên thân thương (Thi 71:9). Đức Giê-hô-va yêu thương và quý mến anh chị. Không lâu nữa, tất cả chúng ta sẽ không còn phải chịu đau đớn và sự gian nan dù tuổi ngày càng tăng. Thay vì thế, với sức khỏe hoàn hảo và tràn đầy sức lực, chúng ta sẽ tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời đầy yêu thương của chúng ta, cho đến mãi mãi!

^ đ. 2 Một số tên đã được thay đổi.