Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh em sắp được giải cứu”!

“Anh em sắp được giải cứu”!

“Hãy đứng thẳng và ngước đầu lên vì anh em sắp được giải cứu”.LU 21:28.

BÀI HÁT: 133, 43

1. Những biến cố nào xảy ra vào năm 66 CN? (Xem hình nơi đầu bài).

Hãy hình dung bạn là một tín đồ đạo Đấng Ki-tô sống ở thành Giê-ru-sa-lem vào năm 66 CN. Có nhiều biến cố xảy ra xung quanh bạn. Đầu tiên, quan chức La Mã là Florus chiếm đoạt 17 ta-lâng từ ngân khố đền thờ thánh. Ngay sau đó, người Do Thái nổi dậy đánh giết binh lính La Mã ở Giê-ru-sa-lem và tuyên bố độc lập khỏi La Mã. Nhưng La Mã đã nhanh chóng hành động đáp trả. Trong vòng ba tháng, 30.000 binh lính đã đến thành Giê-ru-sa-lem dưới sự lãnh đạo của quan tổng đốc La Mã xứ Sy-ri là Cestius Gallus. Quân lính mau chóng tiến vào thành. Những người Do Thái nổi dậy đã rút lui vào khu đền thờ để trú ẩn. Sau đó, quân La Mã bắt đầu phá đổ chân tường thành bên ngoài của khu vực đền thờ! Sự hoảng loạn lan rộng khắp thành. Bạn cảm thấy thế nào khi chứng kiến toàn bộ sự việc này?

2. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào năm 66 CN cần hành động như thế nào, và làm sao họ có thể thực hiện được điều này?

2 Hẳn bạn nhớ đến những lời cảnh báo của Chúa Giê-su được người viết Phúc âm là Lu-ca ghi lại: “Khi anh em thấy quân lính bao vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết rằng nó sắp bị tàn phá. Vậy ai ở xứ Giu-đa hãy chạy trốn lên núi, ai ở trong thành hãy ra khỏi đó, và ai ở vùng nông thôn thì đừng vào thành” (Lu 21:20, 21). Nhưng có lẽ bạn băn khoăn: “Làm thế nào mình có thể vâng theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su là rời Giê-ru-sa-lem trong khi có quá nhiều quân lính bao vây thành?”. Rồi một điều bất ngờ đã xảy ra. Tận mắt bạn thấy quân La Mã bắt đầu rút khỏi thành! Như được báo trước, cuộc tấn công của họ đang “giảm bớt” (Mat 24:22). Giờ đây bạn có cơ hội làm theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su. Bạn lập tức trốn lên những ngọn núi phía bên kia sông Giô-đanh, như những tín đồ trung thành khác sống trong thành và những vùng phụ cận. * Sau đó vào năm 70 CN, một đạo quân khác của La Mã trở lại và hủy phá thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng bạn giữ được mạng sống nhờ vâng theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su.

3. Không lâu nữa, tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ đối mặt với tình huống tương tự nào, và chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Không lâu nữa, mỗi chúng ta sẽ đối mặt với tình huống tương tự. Chúa Giê-su không chỉ cảnh báo tín đồ đạo Đấng Ki-tô về sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem, mà ngài còn dùng những biến cố ấy vào thế kỷ thứ nhất để cho thấy những điều tương tự sẽ xảy ra khi “hoạn nạn lớn” thình lình ập đến (Mat 24:3, 21, 29). Như đã có những tín đồ trung thành sống sót qua sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem thì cũng sẽ có “một đám đông” được sống sót qua thảm họa toàn cầu này. (Đọc Khải huyền 7:9, 13, 14). Kinh Thánh cho biết gì về những biến cố sắp xảy ra? Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến câu trả lời vì nó liên quan đến việc mình được giải cứu. Hãy xem những biến cố trong tương lai sẽ ảnh hưởng thế nào đến mỗi cá nhân chúng ta.

KHỞI ĐẦU CỦA HOẠN NẠN LỚN

4. Biến cố nào sẽ đánh dấu sự khởi đầu của hoạn hạn lớn, và biến cố này diễn ra như thế nào?

4 Hoạn nạn lớn sẽ bắt đầu như thế nào? Sách Khải huyền trả lời câu hỏi này bằng cách miêu tả về sự hủy diệt của “Ba-by-lôn Lớn, mẹ của các kỹ nữ” (Khải 17:5-7). Tại sao các tôn giáo sai lầm được gọi là kỹ nữ? Vì hàng giáo phẩm đã không trung thành với Đức Chúa Trời. Thay vì trung thành ủng hộ Chúa Giê-su và Nước của ngài, họ ủng hộ các nhà cai trị loài người và lờ đi các nguyên tắc của Đức Chúa Trời để giành được sự ảnh hưởng về chính trị. Họ tương phản hoàn toàn với những tín đồ được xức dầu, những người “thanh sạch” và “trong trắng” (2 Cô 11:2; Gia 1:27; Khải 14:4). Nhưng ai sẽ hủy diệt tổ chức được ví như kỹ nữ đó? Đức Giê-hô-va sẽ đặt kế hoạch vào lòng “mười cái sừng” của “con thú dữ sắc đỏ” để “thực hiện ý định của ngài”. Những cái sừng này tượng trưng cho tất cả các thế lực chính trị ngày nay đang ủng hộ Liên Hiệp Quốc, một tổ chức được tượng trưng bởi “con thú dữ sắc đỏ”.—Đọc Khải huyền 17:3, 16-18.

5, 6. Tại sao chúng ta kết luận rằng việc Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt không có nghĩa là tất cả những người theo các tôn giáo ấy cũng bị hủy diệt?

5 Vậy chúng ta có nên kết luận rằng việc các tôn giáo thuộc Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt đồng nghĩa với việc tất cả những người theo các tôn giáo ấy cũng bị hủy diệt không? Dường như chúng ta không nên kết luận như thế. Nhà tiên tri Xa-cha-ri được soi dẫn để viết về điều sẽ xảy ra. Lúc đó, một người từng theo tôn giáo sai lầm sẽ nói: “Ta không phải là tiên-tri, bèn là kẻ cày ruộng; vì ta đã làm tôi-mọi từ thuở nhỏ. Nếu ai hỏi rằng: Những vết thương giữa cánh tay ngươi bởi cớ gì? Thì nó sẽ đáp rằng: Ấy là những vết thương ta đã bị trong nhà bạn ta” (Xa 13:4-6). Vậy dường như ngay cả một số nhà lãnh đạo tôn giáo cũng sẽ từ bỏ tôn giáo mà họ theo và quả quyết rằng họ chưa từng thuộc những tôn giáo sai lầm ấy.

6 Dân Đức Chúa Trời sẽ ra sao vào thời điểm đó? Chúa Giê-su giải thích: “Thật vậy, nếu những ngày ấy không giảm bớt thì không ai được cứu, nhưng vì cớ những người được chọn nên các ngày ấy sẽ giảm bớt” (Mat 24:22). Như vừa xem xét, vào năm 66 CN, hoạn nạn được “giảm bớt”. Điều này tạo cơ hội cho “những người được chọn”, tức các tín đồ được xức dầu, chạy trốn khỏi thành và các vùng lân cận. Tương tự, giai đoạn đầu của hoạn nạn lớn trong tương lai sẽ “giảm bớt” vì cớ “những người được chọn”. Các thế lực chính trị, tức “mười cái sừng”, sẽ không được phép hủy diệt dân Đức Chúa Trời. Thay vì thế, sẽ có một sự gián đoạn ngắn.

THỜI KỲ THỬ THÁCH VÀ PHÁN XÉT

7, 8. Cơ hội nào sẽ đến sau khi những tổ chức tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, và dân trung thành của Đức Chúa Trời khác biệt thế nào vào thời điểm đó?

7 Điều gì sẽ xảy ra sau khi các tổ chức tôn giáo sai lầm bị hủy diệt? Đó sẽ là lúc bộc lộ những gì thật sự ở trong lòng chúng ta. Phần lớn nhân loại sẽ tìm sự ẩn náu nơi các tổ chức loài người, được ví như “những tảng đá trên núi” (Khải 6:15-17). Nhưng theo nghĩa bóng, dân Đức Chúa Trời sẽ chạy trốn đến nơi ẩn náu mà ngài cung cấp. Trong thế kỷ thứ nhất, khoảng thời gian này không phải là lúc để nhiều người Do Thái đột ngột đổi sang đạo Đấng Ki-tô. Đó là thời gian để những người đã là tín đồ đạo Đấng Ki-tô hành động và vâng theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su. Tương tự, chúng ta không nên cho rằng sự gián đoạn trong tương lai của hoạn nạn lớn sẽ là lúc người ta ồ ạt đổ về sự thờ phượng thật. Thay vì thế, đó sẽ là cơ hội cho tất cả các tín đồ chân chính chứng tỏ tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô.—Mat 25:34-40.

8 Dù không hiểu hết những điều sẽ xảy ra trong thời kỳ thử thách ấy, nhưng chúng ta biết mình sẽ phải hy sinh điều gì đó. Vào thế kỷ thứ nhất, tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải bỏ lại sau lưng tài sản và chịu đựng những gian khổ để được sống sót (Mác 13:15-18). Chúng ta sẽ sẵn sàng từ bỏ của cải để giữ lòng trung thành không? Chúng ta có sẵn sàng làm bất cứ điều gì được yêu cầu để chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va không? Hãy thử nghĩ! Lúc đó chúng ta là những người duy nhất theo gương của nhà tiên tri Đa-ni-ên xưa trong việc tiếp tục thờ phượng Đức Chúa Trời bất kể điều gì xảy ra.—Đa 6:10, 11.

9, 10. (a) Dân Đức Chúa Trời sẽ công bố thông điệp nào trong hoạn nạn lớn? (b) Những kẻ thù của dân Đức Chúa Trời sẽ phản ứng ra sao?

9 Hoạn nạn lớn sẽ không phải là thời điểm để rao giảng ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời’. Thời điểm đó đã qua. “Thời điểm kết thúc” đã đến! (Mat 24:14). Dân Đức Chúa Trời sẽ loan báo một thông điệp phán xét mạnh mẽ. Thông điệp này có thể bao gồm lời tuyên bố là thế gian gian ác của Sa-tan sắp chấm dứt hoàn toàn. Kinh Thánh ví thông điệp này với những cục mưa đá khi nói: “Những cục mưa đá lớn, nặng khoảng một ta-lâng, từ trời rơi xuống trên người ta, và họ xúc phạm đến Đức Chúa Trời vì tai họa mưa đá ấy, bởi tai họa ấy lớn khác thường”.—Khải 16:21.

10 Kẻ thù của chúng ta sẽ nghe về thông điệp mạnh mẽ này. Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên được soi dẫn để giải thích điều mà Gót ở đất Ma-gót, tức một liên minh các nước, sẽ làm: “Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Trong những ngày đó, có ý-tưởng sẽ dấy lên trong trí ngươi, ngươi sẽ định mưu-kế hung-dữ. Ngươi sẽ nói rằng: Ta sẽ đi đến đất có làng không có thành-quách, ta sẽ đến cùng những dân yên-lặng an-ổn, hết thảy ở trong những nơi không có tường, không then và không cửa. Ta sẽ ra trận đặng cướp và lấy của, đặng dang tay trên những nơi đổ-nát đó mà nay đã có dân-cư, và trên một dân đã được đem về từ giữa các nước, có những súc-vật và của-cải, ăn-ở giữa thế-gian [“trung tâm cõi đất”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]” (Ê-xê 38:10-12). Dân Đức Chúa Trời sẽ khác biệt với thế gian, như thể họ ở “trung tâm cõi đất”. Các nước sẽ không thể chịu đựng được nữa. Họ nôn nóng tấn công những người được xức dầu của Đức Giê-hô-va cũng như bạn đồng hành của họ.

11. (a) Chúng ta cần nhớ điều gì về chuỗi các biến cố trong hoạn nạn lớn? (b) Người ta sẽ phản ứng thế nào trước những dấu hiệu xuất hiện ở trên trời?

11 Khi xem xét điều gì xảy ra tiếp theo, chúng ta cần nhớ rằng Lời Đức Chúa Trời không tiết lộ thứ tự chính xác của các biến cố đó. Rất có thể là một số biến cố sẽ xảy ra cùng lúc. Trong lời tiên tri về thời kỳ cuối cùng của thế gian này, Chúa Giê-su nói: “Sẽ có những dấu hiệu trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất các dân sầu khổ lo âu, hoang mang vì biển động sóng gầm. Trong khi đó, người ta thất kinh và thấp thỏm chờ đợi những gì sẽ xảy đến trên đất, vì các lực ở trên trời sẽ bị rúng động. Rồi họ sẽ thấy Con Người đến trong một đám mây, với quyền lực và đầy vinh hiển” (Lu 21:25-27; đọc Mác 13:24-26). Sự ứng nghiệm của lời tiên tri này có bao gồm những dấu hiệu và các biến cố khiếp sợ xuất hiện ở trên trời theo nghĩa đen không? Chúng ta sẽ phải chờ xem. Nhưng dù trường hợp nào xảy ra chăng nữa, những dấu hiệu ấy sẽ khiến kẻ thù của Đức Chúa Trời khiếp sợ và hoảng hốt.

Chúng ta sẽ có thái độ tích cực và tin chắc mình được giải cứu! (Xem đoạn 12, 13)

12, 13. (a) Điều gì sẽ xảy ra khi Chúa Giê-su đến “với quyền lực và đầy vinh hiển”? (b) Tôi tớ của Đức Chúa Trời sẽ phản ứng thế nào vào thời điểm đó?

12 Điều gì sẽ xảy ra khi Chúa Giê-su đến “với quyền lực và đầy vinh hiển”? Đó là thời điểm để ban thưởng cho những người trung thành và trừng phạt những kẻ bất trung (Mat 24:46, 47, 50, 51; 25:19, 28-30). Theo Ma-thi-ơ ghi lại, Chúa Giê-su kết thúc dấu hiệu tổng hợp bằng minh họa về chiên và dê. Ngài nói: “Khi Con Người đến trong sự vinh quang cùng với tất cả các thiên sứ, ngài sẽ ngồi trên ngai vinh hiển của mình. Muôn dân sẽ nhóm lại trước mặt ngài rồi ngài chia họ thành hai nhóm, như người chăn tách chiên ra khỏi dê. Ngài sẽ đặt chiên ở bên phải, còn dê ở bên trái” (Mat 25:31-33). Chiên và dê sẽ nghe lời phán xét nào? Minh họa kết thúc bằng những lời sau: “Những kẻ này [những người bị xét là dê] sẽ chịu hình phạt là sự chết vĩnh viễn, còn người công chính thì nhận được sự sống vĩnh cửu”.—Mat 25:46.

13 Những kẻ bị xét là dê sẽ phản ứng thế nào khi nhận ra “sự chết vĩnh viễn” đang đợi họ? Họ “sẽ đấm ngực than khóc” (Mat 24:30). Nhưng anh em của Đấng Ki-tô và những bạn đồng hành trung thành của họ sẽ phản ứng ra sao vào thời điểm đó? Với đức tin trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va và Con ngài là Chúa Giê-su, họ sẽ nghe theo mệnh lệnh: “Khi những điều này xảy ra, hãy đứng thẳng và ngước đầu lên vì anh em sắp được giải cứu” (Lu 21:28). Thật vậy, chúng ta sẽ có thái độ tích cực và tin chắc mình được giải cứu.

CHIẾU SÁNG TRONG NƯỚC TRỜI

14, 15. Công việc thu nhóm nào sẽ diễn ra sau khi cuộc tấn công của Gót ở đất Ma-gót bắt đầu, và điều này sẽ xảy ra như thế nào?

14 Điều gì sẽ xảy ra sau khi Gót ở đất Ma-gót bắt đầu tấn công dân Đức Chúa Trời? Cả Ma-thi-ơ và Mác ghi lại cùng một sự kiện: “[Con người] sẽ sai thiên sứ đi và sẽ thu nhóm những người được chọn của ngài từ khắp bốn phương, từ đầu cùng đất đến tận cùng trời” (Mác 13:27; Mat 24:31). Công việc thu nhóm này không ám chỉ đến việc đóng ấn lần đầu của những tín đồ được xức dầu; cũng không nói đến việc đóng ấn lần cuối của những tín đồ được xức dầu còn sót lại (Mat 13:37, 38). Việc đóng ấn lần cuối xảy ra trước khi hoạn nạn lớn bùng nổ (Khải 7:1-4). Vậy công việc thu nhóm mà Chúa Giê-su đề cập đến là gì? Đó là thời điểm mà những tín đồ còn sót lại thuộc 144.000 người sẽ nhận được phần thưởng trên trời (1 Tê 4:15-17; Khải 14:1). Sự kiện này sẽ diễn ra vào thời điểm nào đó sau khi cuộc tấn công của Gót ở đất Ma-gót bắt đầu (Ê-xê 38:11). Sau đó những lời này của Chúa Giê-su sẽ được ứng nghiệm: “Lúc ấy, người công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong Nước của Cha họ”.Mat 13:43. *

15 Nhiều người thuộc khối Ki-tô giáo tin rằng các tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ được cất lên trời với hình thể con người. Họ cũng nghĩ rằng họ sẽ nhìn thấy Chúa Giê-su trở lại cách hữu hình để cai trị trái đất. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy rõ sự trở lại của Chúa Giê-su là vô hình khi nói rằng “dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời” và Chúa Giê-su sẽ đến “trong các đám mây trên trời” (Mat 24:30). Kinh Thánh cũng nói rằng “thân thể bằng thịt và huyết không hưởng được Nước Đức Chúa Trời”. Vì thế, đối với những người được cất lên trời thì trước hết họ cần được “biến hóa trong tích tắc, trong nháy mắt, trong lúc tiếng kèn cuối cùng trổi lên”. * (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:50-53). Những tín đồ trung thành được xức dầu còn sót lại trên đất sẽ được thu nhóm trong giây lát.

16, 17. Điều gì phải xảy ra trước khi tiệc cưới của Chiên Con diễn ra ở trên trời?

16 Khi tất cả 144.000 người đã được lên trời, những bước chuẩn bị cuối cùng cho lễ cưới của Chiên Con có thể bắt đầu (Khải 19:9). Nhưng sẽ có một điều xảy ra trước sự kiện vui mừng đó. Hãy nhớ rằng không lâu trước khi những tín đồ còn sót lại thuộc 144.000 người được cất lên trời, Gót sẽ tấn công dân Đức Chúa Trời (Ê-xê 38:16). Hành động này sẽ gây ra những phản ứng nào? Trên đất, dân Đức Chúa Trời dường như không có khả năng tự vệ. Họ sẽ vâng theo những chỉ dẫn được đưa ra vào thời của vua Giô-sa-phát: “Trong trận nầy các ngươi sẽ chẳng cần gì tranh-chiến; hãy dàn ra, đứng yên-lặng mà xem thấy sự giải-cứu của Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi. Hỡi Giu-đa và Giê-ru-sa-lem! Chớ sợ, chớ kinh-hãi” (2 Sử 20:17). Còn trên trời thì sẽ phản ứng khác. Liên quan đến thời điểm khi mọi tín đồ được xức dầu đã lên trời, Khải huyền 17:14 cho biết về kẻ thù của dân Đức Chúa Trời như sau: “Họ sẽ chiến đấu với Chiên Con, nhưng vì là Chúa của các chúa và Vua của các vua nên Chiên Con sẽ chiến thắng. Những người ở với ngài, tức những người được gọi, được chọn và trung thành, cũng sẽ chiến thắng”. Cùng với 144.000 người đồng cai trị ở trên trời, Chúa Giê-su sẽ đến để giải cứu dân Đức Chúa Trời trên đất.

17 Sự giải cứu này đánh dấu cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn và cuộc chiến này sẽ mang lại sự vinh hiển cho danh thánh của Đức Giê-hô-va (Khải 16:16). Vào thời điểm đó, tất cả những kẻ bị xét là dê “sẽ chịu hình phạt là sự chết vĩnh viễn”. Cuối cùng, trái đất cũng được tẩy sạch khỏi mọi sự gian ác, và đám đông sẽ vượt qua giai đoạn cuối của hoạn nạn lớn. Khi mọi bước chuẩn bị đã được hoàn tất, đỉnh điểm của sách Khải huyền là lễ cưới của Chiên Con có thể diễn ra (Khải 21:1-4). * Tất cả những người sống sót trên đất sẽ hưởng được ân huệ của Đức Chúa Trời và cảm nghiệm được tình yêu thương bao la của ngài. Tiệc cưới đó sẽ rất tuyệt vời! Chẳng phải chúng ta háo hức trông mong ngày ấy sao?—Đọc 2 Phi-e-rơ 3:13.

18. Với những biến cố hào hứng được báo trước mà không lâu nữa sẽ xảy ra, chúng ta nên quyết tâm làm gì?

18 Khi biết những biến cố hào hứng này sắp xảy ra, mỗi chúng ta nên làm gì ngay từ bây giờ? Sứ đồ Phi-e-rơ được soi dẫn để viết như sau: “Vì mọi điều ấy sẽ bị tan biến như thế, nên anh em hãy xem xét mình phải thuộc loại người nào. Anh em phải là người có cách ăn ở thánh khiết và thể hiện lòng sùng kính trong khi chờ đợi và ghi nhớ sự hiện diện của ngày Đức Giê-hô-va... Vậy, hỡi anh em yêu dấu, vì anh em đang chờ đợi những điều ấy nên hãy gắng hết sức để cuối cùng được ngài xét thấy là không tì, không vết và có sự hòa thuận” (2 Phi 3:11, 12, 14). Vậy chúng ta hãy quyết tâm giữ thanh sạch về thiêng liêng và ủng hộ Vua của sự hòa bình.

^ đ. 15 Thân thể xác thịt của những tín đồ được xức dầu còn sống vào thời điểm đó sẽ không được cất lên trời (1 Cô 15:48, 49). Rất có thể thân thể của họ sẽ bị loại bỏ theo cách giống thân thể của Chúa Giê-su.

^ đ. 17 Bài Thi-thiên 45 cũng cho biết vài chi tiết về thứ tự của các sự kiện. Đầu tiên vua sẽ tranh chiến, và sau đó lễ cưới diễn ra.