QUAN ĐIỂM KINH THÁNH
Thập tự giá
Nhiều người xem thập tự giá, hay thánh giá, là biểu tượng của Ki-tô giáo. Nhưng không phải tất cả đều đồng ý nên đeo hoặc trưng biểu tượng này trong nhà và nhà thờ.
Chúa Giê-su có chết trên thập tự giá không?
ĐIỀU MỘT SỐ NGƯỜI NÓI:
Người La Mã đã xử tử Chúa Giê-su bằng cách treo ngài trên cây thập tự làm bằng hai thanh gỗ bắt chéo nhau.
ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:
Chúa Giê-su bị xử tử bằng cách “treo lên cây gỗ” (Công vụ 5:30, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Cả hai từ mà những người viết Kinh Thánh dùng để miêu tả vật hành hình Chúa Giê-su đều nói đến một thanh gỗ, chứ không phải hai. Cuốn Crucifixion in Antiquity cho biết từ stau·rosʹ trong tiếng Hy Lạp “theo nghĩa rộng nhất, nó là một cây cột. Nó không tương đương với ‘thập tự giá’”. Từ xyʹlon được dùng nơi Công vụ 5:30 “chỉ có nghĩa là cây cọc hay trụ thẳng đứng mà người La Mã dùng để đóng đinh người ta”. *
Kinh Thánh cũng liên kết cách Chúa Giê-su bị hành hình với luật pháp của Y-sơ-ra-ên thời xưa. Luật pháp quy định: “Khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và anh (em) đã treo nó lên cây,... người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:22, 23, GKPV). Đề cập đến luật này, sứ đồ Phao-lô nói Chúa Giê-su đã “chịu nguyền rủa thay cho chúng ta, vì có lời viết: ‘Đáng rủa thay kẻ nào bị treo trên cây cột [xyʹlon]’” (Ga-la-ti 3:13). Phao-lô cho thấy rõ Chúa Giê-su đã chết trên cây cột, tức chỉ trên một thanh gỗ.
“Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi”.—Công vụ 10:39, GKPV.
Môn đồ Chúa Giê-su có dùng thập tự giá để thờ phượng hoặc làm biểu tượng cho đạo Đấng Ki-tô không?
ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:
Không nơi nào trong Kinh Thánh cho thấy tín đồ thời ban đầu dùng thập tự giá làm biểu tượng tôn giáo. Thay vì thế, chính người La Mã thời đó đã dùng thập tự giá làm biểu tượng cho các thần của họ. Khoảng 300 năm sau khi Chúa Giê-su chết, hoàng đế La Mã Constantine dùng thập tự giá làm biểu tượng cho quân đội, và sau đó biểu tượng này liên kết với giáo hội Ki-tô giáo.
Nếu người ngoại đạo dùng thập tự giá để thờ thần của họ thì liệu các môn đồ của Chúa Giê-su có dùng biểu tượng này trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời không? Không, họ biết từ lâu Đức Chúa Trời đã không chấp nhận việc dùng “một tượng mang hình ảnh bất cứ cái gì” để thờ phượng, và tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải “tránh xa việc thờ thần tượng” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:15-19, GKPV; 1 Cô-rinh-tô 10:14). “Đức Chúa Trời là thần linh”, con người không thể nhìn thấy ngài. Vì thế, tín đồ thời ban đầu đã không dùng vật hoặc biểu tượng nào để có cảm giác gần gũi ngài hơn. Thay vì vậy, họ thờ phượng theo “sự hướng dẫn của thần khí” và “sự thật”, đúng với ý muốn của ngài được tiết lộ trong Kinh Thánh.—Giăng 4:24.
“Những người thờ phượng chân chính sẽ thờ phượng Cha theo đúng sự thật và sự hướng dẫn của thần khí”.—Giăng 4:23.
Tín đồ đạo Đấng Ki-tô tôn kính Chúa Giê-su bằng cách nào?
ĐIỀU MỘT SỐ NGƯỜI NÓI:
“Việc dùng biểu tượng cứu rỗi ấy để tôn kính và sùng bái là tự nhiên và hợp lý... Tôn thờ một hình tượng hoặc biểu tượng tức là tôn thờ đấng mà nó tượng trưng”.—Tân bách khoa từ điển Công giáo (New Catholic Encyclopedia).
ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:
Tín đồ đạo Đấng Ki-tô mang ơn Chúa Giê-su. Nhờ sự hy sinh của ngài, họ mới có cơ hội được tha tội, đến gần Đức Chúa Trời và nhận sự sống vĩnh cửu (Giăng 3:16; Hê-bơ-rơ 10:19-22). Kinh Thánh không đòi hỏi họ thể hiện lòng tôn trọng sự hy sinh ấy bằng cách trưng một biểu tượng của Chúa Giê-su, hoặc chỉ xưng có đức tin nơi ngài. Thật ra, “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gia-cơ 2:17). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su. Bằng cách nào?
Kinh Thánh nói: “Tình yêu thương của Đấng Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi đã kết luận như vầy: Một người chết vì mọi người... Những người sống thì không sống cho chính mình nữa, mà sống cho đấng đã chết vì họ và đã được sống lại” (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15). Hành động yêu thương nổi bật của Chúa Giê-su thôi thúc các tín đồ điều chỉnh đời sống để noi gương ngài. Khi làm thế, họ tôn kính Chúa Giê-su theo cách ý nghĩa hơn nhiều so với việc dùng biểu tượng tôn giáo.
“Ý của Cha tôi là ai thừa nhận và thể hiện đức tin nơi Con thì được sống đời đời”.—Giăng 6:40.
^ đ. 8 Theo cuốn A Critical Lexicon and Concordance to the English and Greek New Testament, ấn bản thứ 11, của Ethelbert W. Bullinger, trang 818, 819.