BÀI HỌC 9
Noi gương Chúa Giê-su bằng cách phục vụ người khác
“Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—CÔNG 20:35.
BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”
GIỚI THIỆU *
1. Chúng ta thấy tinh thần tuyệt vời nào trong vòng dân Đức Giê-hô-va?
Từ lâu, Kinh Thánh tiên tri rằng dân Đức Chúa Trời sẽ “sẵn sàng tình nguyện” phụng sự ngài dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su (Thi 110:3). Lời tiên tri đó đang được ứng nghiệm ngày nay. Mỗi năm, những tôi tớ sốt sắng của Đức Giê-hô-va dành hàng trăm triệu giờ cho công việc rao giảng. Họ tình nguyện làm thế và tự trang trải các chi phí. Họ cũng dành thời gian để hỗ trợ anh em đồng đạo về thể chất, tình cảm và thiêng liêng. Các trưởng lão và phụ tá hội thánh dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho các phần trong buổi nhóm họp và thăm chiên. Điều gì thúc đẩy dân Đức Giê-hô-va làm những điều này? Đó là tình yêu thương họ dành cho Đức Giê-hô-va và người lân cận.—Mat 22:37-39.
2. Như được nói nơi Rô-ma 15:1-3, Chúa Giê-su nêu gương nào?
2 Chúa Giê-su nêu gương xuất sắc trong việc đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân. Chúng ta cố gắng hết sức để noi theo dấu chân ngài. (Đọc Rô-ma 15:1-3). Những ai noi gương ngài sẽ nhận được lợi ích. Chúa Giê-su nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—Công 20:35.
3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem một số hy sinh mà Chúa Giê-su thực hiện để phục vụ người khác và làm sao để noi gương ngài. Cũng hãy xem làm thế nào chúng ta có thể gia tăng ước muốn phục vụ người khác.
NOI THEO GƯƠNG CHÚA GIÊ-SU
4. Chúa Giê-su cho thấy ngài đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân như thế nào?
4Chúa Giê-su giúp đỡ người khác ngay cả khi thấy mệt. Hãy nghĩ về phản ứng của Chúa Giê-su khi một đoàn dân đông đến gặp ngài bên sườn núi, rất có thể là gần Ca-bê-na-um. Chúa Giê-su đã cầu nguyện suốt đêm hôm trước. Hẳn ngài cảm thấy rất mệt nhưng khi thấy đoàn dân, ngài động lòng thương cảm với người nghèo và người bệnh trong vòng họ. Ngài không chỉ chữa lành cho họ mà còn trình bày một trong những bài giảng khích lệ nhất trong lịch sử nhân loại, được biết đến là Bài giảng trên núi.—Lu 6:12-20.
5. Những người chủ gia đình noi theo tinh thần hy sinh của Chúa Giê-su như thế nào khi thấy mệt?
5Những người chủ gia đình đang noi gương Chúa Giê-su như thế nào? Hãy hình dung tình huống sau: Sau một ngày dài làm việc, người chủ gia đình trở về nhà trong tình trạng mệt lả. Có lẽ anh muốn hủy Buổi thờ phượng của gia đình đã được sắp đặt vào tối hôm đó, nhưng anh nài xin Đức Giê-hô-va ban thêm sức để điều khiển buổi thờ phượng. Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của anh, và buổi thờ phượng diễn ra như thường lệ. Các con của anh học được bài học quan trọng vào tối hôm ấy, đó là cha mẹ luôn đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu.
6. Hãy nêu ví dụ cho thấy Chúa Giê-su hy sinh thời gian riêng của ngài để giúp đỡ người khác.
6Chúa Giê-su rộng rãi dành thời gian riêng của mình cho người khác. Hãy hình dung Chúa Giê-su cảm thấy thế nào khi biết bạn của ngài là Giăng Báp-tít bị chém đầu. Hẳn ngài rất đau buồn. Kinh Thánh cho biết: “Nghe tin ấy [tin về cái chết của Giăng], Chúa Giê-su lên thuyền rời khỏi đó và đến nơi hẻo lánh để ở một mình” (Mat 14:10-13). Chúng ta có thể hiểu tại sao ngài muốn ở một mình. Nhiều người trong chúng ta muốn ở một mình trong lúc đau buồn. Nhưng Chúa Giê-su thì không được như thế. Một đoàn dân đông đã đến nơi hẻo lánh đó trước khi ngài đến. Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Ngài nghĩ về nhu cầu của đoàn dân và “động lòng thương cảm” họ. Ngài thấy đoàn dân rất cần được giúp đỡ về thiêng liêng, và ngài nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đó. Thực tế, “ngài bắt đầu dạy họ [không chỉ vài điều, mà] nhiều điều”.—Mác 6:31-34; Lu 9:10, 11.
7, 8. Hãy nêu ví dụ cho thấy các trưởng lão noi gương Chúa Giê-su khi một anh em cần sự giúp đỡ.
7Các trưởng lão noi gương Chúa Giê-su như thế nào? Chúng ta quý trọng sâu xa tinh thần hy sinh và công việc mà các trưởng lão làm vì lợi ích của chúng ta! Phần lớn anh em trong hội thánh không thấy hết công việc mà các anh làm. Chẳng hạn, khi có trường hợp y tế khẩn cấp, các thành viên thuộc Ủy ban Liên lạc Bệnh viện mau chóng trợ giúp anh em đồng đạo. Thường những trường hợp khẩn cấp như thế xảy ra vào nửa đêm! Nhưng vì có lòng trắc ẩn nên các trưởng lão yêu dấu này cùng gia đình họ đặt lợi ích của anh em đồng đạo lên trên lợi ích bản thân.
8 Các trưởng lão cũng tham gia vào việc xây cất Phòng Nước Trời và các cơ sở khác cũng như công việc cứu trợ. Chúng ta không thể tính hết số giờ mà các trưởng lão trong hội thánh đã dành ra để dạy dỗ, khích lệ và hỗ trợ chúng ta. Tất cả những anh này và gia đình họ đáng được chúng ta khen. Nguyện xin Đức Giê-hô-va ban phước cho tinh thần mà họ thể hiện! Dĩ nhiên, giống như bao người khác, các trưởng lão cũng cần thăng bằng. Họ không nên dành nhiều thời gian cho các hoạt động thần quyền
đến mức không có đủ thời gian để chăm sóc cho gia đình mình.LÀM THẾ NÀO ĐỂ VUN TRỒNG TINH THẦN HY SINH?
9. Theo Phi-líp 2:4, 5, tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên vun trồng tinh thần nào?
9 Đọc Phi-líp 2:4, 5. Không chỉ các trưởng lão mà tất cả chúng ta đều có thể tập noi theo tinh thần hy sinh của Chúa Giê-su. Kinh Thánh nói rằng ngài “mặc lấy hình dạng đầy tớ” (Phi-líp 2:7). Hãy xem chúng ta học được gì từ những lời này. Một đầy tớ tốt sẽ tìm cơ hội để làm hài lòng chủ của mình. Là đầy tớ của Đức Giê-hô-va và là người phục vụ anh em, chắc chắn anh chị muốn trở nên hữu dụng hơn đối với Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo. Anh chị có thể làm thế bằng cách xem xét những gợi ý sau.
10. Chúng ta có thể tự hỏi những câu nào?
10Xem xét thái độ của mình. Hãy tự hỏi những câu như: “Mình có sẵn sàng hy sinh thời gian và năng lực để giúp người khác không? Chẳng hạn, mình phản ứng thế nào khi được nhờ thăm một anh trong viện dưỡng lão, hoặc đưa đón một chị lớn tuổi đến nhóm họp? Mình có nhanh chóng trợ giúp khi có nhu cầu về tình nguyện viên để làm sạch nơi tổ chức hội nghị hoặc bảo trì Phòng Nước Trời không?”. Đức Giê-hô-va rất hài lòng khi chúng ta dành thời gian, sức lực và của cải, là những điều mình đã dâng cho ngài, để giúp người khác một cách bất vị kỷ. Nếu nhận thấy mình cần cải thiện về khía cạnh đó, chúng ta có thể làm gì?
11. Cầu nguyện có thể giúp chúng ta thế nào để vun trồng tinh thần hy sinh?
11Cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va. Giả sử anh chị nhận thấy mình cần thể hiện tinh thần hy sinh nhiều hơn, nhưng anh chị không có động lực để thực hiện những thay đổi cần thiết. Nếu thế, hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va một cách tha thiết. Hãy thành thật. Hãy cho Đức Giê-hô-va biết anh chị cảm thấy thế nào và xin ngài ban “ước muốn lẫn sức mạnh để hành động”.—Phi-líp 2:13.
12. Một anh trẻ đã báp-têm có thể đáp ứng nhu cầu nào?
12 Nếu là một anh trẻ đã báp-têm, hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh vun trồng ước muốn phục vụ hội thánh nhiều hơn. Tại một số nước, có nhiều trưởng lão hơn phụ tá hội thánh, và nhiều phụ tá trong số đó ở tuổi trung niên hoặc lớn tuổi hơn. Khi tổ chức ngày càng lớn mạnh thì cần thêm những anh trẻ để chăm lo cho dân của Đức Giê-hô-va. Nếu sẵn sàng phục vụ trong bất cứ khía cạnh nào thì anh sẽ có niềm vui và hạnh phúc. Tại sao? Vì anh làm hài lòng Đức Giê-hô-va, tạo được danh tiếng tốt và có sự thỏa nguyện đến từ việc giúp đỡ người khác.
13, 14. Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ anh em đồng đạo? (Xem hình nơi trang bìa).
13Nhạy bén trước nhu cầu của người khác. Sứ đồ Phao-lô khuyên các tín đồ người Hê-bơ-rơ: “Đừng quên làm điều tốt và chia sẻ với người khác những gì mình có, vì Đức Chúa Trời hài lòng với những vật tế lễ như thế” (Hê 13:16). Quả là lời khuyên thực tế! Không lâu sau khi nhận được lá thư này, các tín đồ ở Giu-đê phải rời bỏ nhà cửa, cơ sở làm ăn và người thân không tin đạo để “chạy trốn lên núi” (Mat 24:16). Lúc ấy việc giúp đỡ lẫn nhau là điều rất quan trọng. Nếu trước đó họ đã áp dụng lời khuyên của Phao-lô về việc chia sẻ những gì mình có với người khác, giờ đây họ sẽ thấy dễ thích nghi hơn với hoàn cảnh mới.
14 Anh em đồng đạo có lẽ không phải lúc nào cũng cho chúng ta biết về nhu cầu của họ. Chẳng hạn, một anh trong hội thánh có vợ qua đời. Anh ấy có cần được cung cấp bữa ăn, đưa đón hoặc giúp làm việc nhà không? Có thể anh không nói ra vì sợ làm phiền chúng ta. Nhưng hẳn anh sẽ rất biết ơn nếu chúng ta chủ động giúp đỡ. Chúng ta không nên cho rằng người khác sẽ giúp anh ấy, hoặc nếu cần thì anh ấy sẽ cho mình biết. Hãy tự hỏi: “Nếu ở trong hoàn cảnh đó, mình sẽ cần sự giúp đỡ nào?”.
15. Chúng ta cần phải làm gì nếu muốn giúp đỡ người khác?
15Dễ đến gần. Hẳn anh chị biết một số anh em trong hội thánh luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Họ không bao giờ khiến chúng ta cảm thấy mình đang làm phiền họ. Chúng ta biết rằng họ sẽ luôn giúp đỡ khi mình cần, và chúng ta muốn được giống như họ! Anh Alan, một trưởng lão ngoài 40 tuổi, muốn là người dễ đến gần. Suy ngẫm về gương của Chúa Giê-su, anh Alan nói: “Chúa Giê-su rất bận rộn, nhưng người từ mọi lứa tuổi được thu hút đến với ngài và cảm thấy thoải mái xin ngài giúp đỡ. Họ xem ngài là người thật sự quan tâm đến họ. Tôi rất muốn bắt chước Chúa Giê-su và muốn được biết đến là người dễ đến gần, nồng ấm và biết quan tâm”.
16. Làm thế nào việc áp dụng Thi thiên 119:59, 60 có thể giúp chúng ta theo sát gương Chúa Giê-su?
16 Chúng ta không nên nản lòng nếu không thể noi gương Chúa Giê-su một cách hoàn hảo (Gia 3:2). Một người đang học vẽ không thể vẽ giỏi bằng thầy giáo của mình. Nhưng nếu người ấy học từ lỗi lầm bản thân và cố gắng bắt chước thầy của mình sát nhất có thể thì người ấy sẽ ngày càng tiến bộ. Tương tự, nếu áp dụng điều mình học trong những buổi học hỏi cá nhân, nỗ lực sửa chữa khuyết điểm của bản thân, chúng ta có thể thành công trong việc noi theo gương Chúa Giê-su.—Đọc Thi thiên 119:59, 60.
TINH THẦN HY SINH MANG LẠI LỢI ÍCH NÀO?
17, 18. Noi theo tinh thần hy sinh của Chúa Giê-su mang lại lợi ích nào?
17 Tinh thần hy sinh có thể lan tỏa. Một trưởng lão tên Tim nói: “Chúng tôi có một số anh rất trẻ đã tiến bộ và được bổ nhiệm làm phụ tá hội thánh. Một lý do là vì họ bắt chước tinh thần sẵn sàng phục vụ mà họ thấy nơi người khác. Các anh trẻ này giúp đỡ hội thánh và hỗ trợ các trưởng lão rất nhiều”.
18 Chúng ta đang sống trong một thế gian bị chi phối bởi sự ích kỷ. Nhưng dân Đức Giê-hô-va thì hoàn toàn khác. Chúng ta được động lòng trước tinh thần hy sinh của Chúa Giê-su, và chúng ta quyết tâm noi theo gương ngài. Đúng là chúng ta không thể noi theo dấu chân ngài một cách hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể “theo sát dấu chân ngài” (1 Phi 2:21). Khi nỗ lực noi theo tinh thần hy sinh của Chúa Giê-su, chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được niềm vui vì được Đức Giê-hô-va chấp nhận.
BÀI HÁT 13 Đấng Ki-tô, gương mẫu của chúng ta
^ đ. 5 Chúa Giê-su luôn đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét những cách mình có thể noi gương ngài. Cũng hãy xem làm thế nào việc noi theo tinh thần hy sinh của Chúa Giê-su sẽ mang lại cho chúng ta những lợi ích lâu dài.
^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Một anh trẻ tên Dân thấy hai trưởng lão đến thăm cha của anh tại bệnh viện. Gương yêu thương của các trưởng lão ấy đã thúc đẩy anh Dân nhạy bén trước nhu cầu của người khác trong hội thánh. Một anh trẻ khác tên Bình thấy lòng quan tâm mà anh Dân thể hiện. Gương của anh Dân đã khuyến khích anh Bình giúp làm sạch Phòng Nước Trời.