Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người Masorete cẩn thận sao chép Kinh Thánh

BÀI TRANG BÌA | KINH THÁNH—SỰ TỒN TẠI PHI THƯỜNG

Kinh Thánh tồn tại trước âm mưu thay đổi thông điệp trong đó

Kinh Thánh tồn tại trước âm mưu thay đổi thông điệp trong đó

MỐI ĐE DỌA: Những mối đe dọa từ bên ngoài như sự mục nát và sự chống đối đã không phá hủy được Kinh Thánh. Nhưng một số người sao chép và người dịch đã cố thay đổi thông điệp của Kinh Thánh. Trong một số trường hợp, họ đã cố thay đổi Kinh Thánh theo giáo lý của họ thay vì điều chỉnh giáo lý dựa trên Kinh Thánh. Hãy xem vài trường hợp:

  • Nơi thờ phượng: Giữa thế kỷ thứ tư và thế kỷ thứ hai TCN, những người viết Ngũ Thư Sa-ma-ri đã thêm vào sau câu Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17 những lời này: “trên núi Ga-ri-xim. Và tại đó các ngươi sẽ xây một bàn thờ”. Người Sa-ma-ri muốn sửa đổi Kinh Thánh để ủng hộ việc xây cất đền thờ của họ trên núi Ga-ri-xim.

  • Giáo lý Chúa Ba Ngôi: Chưa đầy 300 năm sau khi Kinh Thánh được hoàn tất, một người viết theo thuyết Chúa Ba Ngôi đã thêm vào câu 1 Giăng 5:7 những lời này: “trên trời, Cha, Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần: và cả ba là một”. Câu này không có trong bản gốc. Học giả Kinh Thánh Bruce Metzger cho biết rằng những lời này “từ thế kỷ thứ sáu trở về sau đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các bản chép tay Old Latin [tiếng La-tinh cổ] và bản Vulgate [tiếng La-tinh phổ thông]”.

  • Tên Đức Chúa Trời: Căn cứ vào sự mê tín dị đoan của người Do Thái, nhiều người dịch Kinh Thánh đã loại bỏ tên Đức Chúa Trời khỏi Kinh Thánh. Họ thay thế tên đó bằng những tước hiệu như “Đức Chúa Trời” và “Chúa”. *

KINH THÁNH ĐÃ TỒN TẠI NHƯ THẾ NÀO? Thứ nhất, dù một số người sao chép Kinh Thánh đã bất cẩn hoặc thậm chí là gian dối, nhiều người sao chép khác thì rất thành thạo và vô cùng tỉ mỉ. Từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 10 CN, những người Masorete đã sao chép phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Các bản sao chép Kinh Thánh này được gọi là bản Masorete. Có ý kiến cho rằng họ đã đếm số từ và số chữ cái để bảo đảm là không có lỗi nào. Khi họ nghi ngờ là có lỗi tại những chỗ trong bản mà họ dùng để sao chép lại, họ sẽ ghi chú ở bên lề. Đối với những người Masorete, việc thay đổi nội dung Kinh Thánh là không thể chấp nhận. Giáo sư Moshe Goshen-Gottstein viết: “Đối với họ, việc cố ý can thiệp vào nội dung Kinh Thánh là một tội ác nghiêm trọng nhất”.

Thứ hai, số lượng lớn các bản chép tay mà chúng ta có ngày nay thật sự giúp các học giả Kinh Thánh phát hiện ra những sai sót. Chẳng hạn, trong nhiều thế kỷ, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã dạy rằng những bản Kinh Thánh tiếng La-tinh của họ là xác thực. Tuy nhiên, nơi 1 Giăng 5:7, họ thêm vào những lời sai trái được đề cập ở đầu bài. Lỗi này thậm chí đã xuất hiện trong Bản dịch King James, một bản dịch rất có ảnh hưởng trong tiếng Anh! Nhưng khi người ta tìm thấy những bản chép tay khác, thì họ đã khám phá điều gì? Ông Bruce Metzger viết: “Đoạn này [nơi 1 Giăng 5:7] không có trong tất cả các bản chép tay cổ xưa (tiếng Syriac, Copt, Armenia, Ê-thi-ô-bi, Ả Rập, Slav), ngoại trừ tiếng La-tinh”. Kết quả là đoạn sai ấy đã bị bỏ ra khỏi ấn bản hiệu đính của Bản dịch King James và các bản Kinh Thánh khác.

Chester Beatty P46, một bản Kinh Thánh chép tay bằng giấy cói từ khoảng năm 200 CN

Những bản chép tay cổ hơn có chứng minh được rằng thông điệp Kinh Thánh đã được bảo toàn không? Khi các cuộn Biển Chết được tìm thấy năm 1947, cuối cùng thì các học giả Kinh Thánh đã có thể so sánh bản Masorete trong tiếng Hê-bơ-rơ với những gì có trong các cuộn sách Kinh Thánh được viết hơn 1.000 năm trước đó. Một thành viên trong nhóm biên tập các cuộn Biển Chết kết luận rằng một cuộn sách “cung cấp bằng chứng không thể chối cãi rằng việc truyền lại nội dung Kinh Thánh qua một thời kỳ hơn 1.000 năm bởi những nhà sao chép người Do Thái là vô cùng chính xác và cẩn thận”.

Thư viện Chester Beatty ở Dublin, Ai Len, có một bộ sưu tập các mảnh giấy cói của gần như tất cả các sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, trong đó có những bản chép tay từ thế kỷ thứ hai CN, tức chỉ khoảng 100 năm sau khi Kinh Thánh được hoàn tất. Từ điển The Anchor Bible Dictionary nhận xét: “Dù các mảnh giấy cói đó cung cấp thêm nhiều chi tiết mới về chữ nghĩa, chúng cũng chứng tỏ sự ổn định phi thường trong suốt quá trình truyền lại nội dung của Kinh Thánh”.

“Có thể nói rằng không quyển sách cổ xưa nào đã được truyền lại một cách chính xác như thế”

KẾT QUẢ: Niên đại và số lượng lớn của các bản Kinh Thánh chép tay thật sự đã giúp bảo tồn tốt hơn nội dung của Kinh Thánh, chứ không làm sai lệch nội dung của Kinh Thánh. Ông Frederic Kenyon đã viết về phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp: “Không có quyển sách cổ nào khác có nhiều bằng chứng xác thực về nội dung từ xa xưa như vậy, và các học giả khách quan hẳn phải công nhận rằng nội dung Kinh Thánh được truyền lại cho đến ngày nay hầu như không bị thay đổi”. Còn về phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, học giả William Henry Green cho biết: “Có thể nói rằng không quyển sách cổ xưa nào được truyền lại một cách chính xác như thế”.

^ đ. 6 Để biết thêm, xin xem Phụ lục 12 trong Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền), có trên www.jw.org/vi.