Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Không khí trong lành và ánh nắng mặt trời—“Thuốc kháng sinh” tự nhiên?

Không khí trong lành và ánh nắng mặt trời—“Thuốc kháng sinh” tự nhiên?

Giữa thế kỷ 20, khi lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra chất kháng sinh, những bác sĩ hy vọng rằng loại dược phẩm mới này sẽ đẩy lùi một số loại bệnh. Thoạt tiên, những loại thuốc mới này dường như đạt được ước nguyện của họ. Nhưng do sử dụng tràn lan nên vi khuẩn kháng thuốc sinh sôi nảy nở.

Để tìm ra “vũ khí” mới chống lại việc nhiễm khuẩn, một số nhà khoa học đã xem lại các phương pháp chữa trị trong quá khứ. Một trong những phương pháp này là tận dụng lợi ích của ánh nắng mặt trời và không khí trong lành.

Bài học từ quá khứ

Từ lâu, ở Anh Quốc đã có nhiều người ủng hộ khả năng chữa bệnh của ánh nắng mặt trời và không khí trong lành. Bác sĩ John Lettsom (1744-1815) đề nghị nên cho bệnh nhi mắc bệnh lao hưởng không khí biển và ánh nắng mặt trời. Năm 1840, bác sĩ phẫu thuật George Bodington ghi nhận rằng những ai làm việc ngoài trời, như nông dân, thợ cày, chăn cừu, nói chung không mắc bệnh lao còn những người ở trong nhà nhiều thì dường như dễ nhiễm bệnh hơn.

Y tá Florence Nightingale (1820-1910) trở nên nổi tiếng nhờ phương cách mới khi săn sóc các thương binh người Anh trong chiến tranh Krym. Bà hỏi: “Quý vị có bao giờ vào phòng ngủ của ai đó... vào buổi tối, hoặc trước khi các cửa sổ được mở ra vào buổi sáng, cảm thấy không khí ngột ngạt và hôi thối không?”. Bà đề nghị nên giữ không khí trong phòng bệnh nhân trong lành như ở ngoài trời, đồng thời không làm bệnh nhân bị lạnh. Bà cho biết thêm: “Tôi hoàn toàn nhờ vào kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân nên biết được là họ cần hai điều: ánh nắng và không khí trong lành... Nhưng không phải là ánh nắng thông thường mà là ánh nắng trực tiếp”. Thời đó, nhiều người cũng tin rằng việc phơi khăn trải giường, áo gối dưới ánh nắng mặt trời cũng cải thiện sức khỏe.

Dù khoa học đã tiến bộ kể từ thập niên 1800, nhưng các cuộc nghiên cứu hiện đại cũng đưa ra những kết luận tương tự. Chẳng hạn, cuộc nghiên cứu năm 2011 ở Trung Quốc nhận thấy rằng các khu nhà ở tập thể đông người của những trường đại học với hệ thống thông gió kém “có liên quan đến việc nhiều người bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là hệ thống thông gió tự nhiên, trong đó có không khí ngoài trời thổi qua tòa nhà, là điều quan trọng để ngăn việc nhiễm khuẩn. Thật vậy, sách hướng dẫn của tổ chức này được xuất bản năm 2009 đã khuyến khích việc dùng hệ thống thông gió tự nhiên như là phương pháp hữu hiệu để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ở các cơ sở y tế. *

Có lẽ bạn nói: “Hay đấy! Nhưng có cơ sở khoa học không? Làm sao ánh nắng mặt trời và không khí lại ngăn ngừa việc nhiễm khuẩn?”.

“Thuốc sát trùng” tự nhiên

Các cuộc nghiên cứu được tiến hành tại Bộ quốc phòng Vương quốc Anh đã cung cấp một số lời giải đáp. Các nhà khoa học ở đấy cố gắng xác minh xem nếu một vũ khí sinh học có vi khuẩn độc hại cho nổ tung ở Luân Đôn thì không khí bị ô nhiễm bao lâu. Để xác định khả năng mầm bệnh lây qua không khí, các nhà nghiên cứu đã cho vi khuẩn đại tràng (vi khuẩn E. coli) bám vào tơ nhện và để ở ngoài trời. Vì người ta đã biết ánh nắng mặt trời giết hết vi khuẩn này nên cuộc thí nghiệm được thực hiện vào ban đêm. Kết quả là gì?

Khoảng hai tiếng sau, hầu như tất cả vi khuẩn đều chết. Nhưng khi chúng được giữ trong một hộp kín tại cùng địa điểm, cùng nhiệt độ và độ ẩm, đa số đều còn sống sau hai tiếng. Tại sao? Hẳn là có cái gì đó trong không khí đã giết các vi trùng. Cái được gọi là yếu tố ngoài trời vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho thấy một hợp chất ngoài trời và có “chức năng như thuốc sát trùng tự nhiên chống lại mầm bệnh hoặc vi trùng trong không khí”.

Ánh nắng mặt trời cũng có tính khử trùng tự nhiên. Tờ Journal of Hospital Infection giải thích rằng “phần lớn các vi khuẩn gây nhiễm bệnh qua không khí không chịu được ánh nắng mặt trời”.

Làm thế nào bạn có thể tận dụng điều này? Có thể bạn ra ngoài trời, dành thời gian vừa phải để tận hưởng ánh nắng và hít thở không khí trong lành. Rất có thể bạn sẽ có sức khỏe tốt hơn.

^ đ. 8 Việc mở cửa sổ có thể gây tác hại vì một số lý do, như không khí ô nhiễm, tiếng ồn, quy định về phòng cháy và an ninh.