Đi đến nội dung

Đức Giê-hô-va là ai?

Đức Giê-hô-va là ai?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật, Đấng Tạo Hóa của muôn vật (Khải huyền 4:11). Các nhà tiên tri như Áp-ra-ham và Môi-se thờ phượng ngài, Chúa Giê-su cũng vậy (Sáng thế 24:27; Xuất Ai Cập 15:1, 2; Giăng 20:17). Ngài là Đức Chúa Trời, không chỉ của một dân tộc mà của “cả địa cầu”.​—Thi thiên 47:2.

 Giê-hô-va là tên độc nhất vô nhị của Đức Chúa Trời như được tiết lộ trong Kinh Thánh (Xuất Ai Cập 3:15; Thi thiên 83:18). Tên này có gốc từ một động từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “trở thành”, và nhiều học giả cho rằng tên này có ý nghĩa là “Đấng làm cho trở thành”. Định nghĩa này rất phù hợp với vai trò của Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa và đấng làm ứng nghiệm lời ngài hứa (Ê-sai 55:10, 11). Kinh Thánh cũng giúp chúng ta hiểu về đấng mang tên ấy, đặc biệt là tình yêu thương nổi trội của ngài.​—Xuất Ai Cập 34:5-7; Lu-ca 6:35; 1 Giăng 4:8.

 Tên Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ được viết dưới dạng bốn mẫu tự יהוה (YHWH), được gọi là Tetragrammaton. Tên này được dịch sang tiếng Anh là Jehovah (Giê-hô-va). Người ta không biết cách phát âm chính xác tên Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ cổ. Tuy nhiên, dạng tên “Jehovah” có lịch sử lâu đời trong tiếng Anh và xuất hiện lần đầu tiên trong bản dịch Kinh Thánh năm 1530 của ông William Tyndale. a

Tại sao chúng ta không biết cách phát âm tên Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ cổ?

 Tiếng Hê-bơ-rơ cổ chỉ được viết bằng phụ âm, không có nguyên âm. Người đọc biết tiếng Hê-bơ-rơ có thể dễ dàng nhận ra những nguyên âm nào là thích hợp. Tuy nhiên, sau khi phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (“Cựu ước”) được hoàn tất, một số người Do Thái bắt đầu tin vào sự mê tín cho rằng việc nói ra tên của Đức Chúa Trời là sai. Khi đọc lớn tiếng một câu Kinh Thánh có tên Đức Chúa Trời, họ thay bằng những từ như “Chúa” hoặc “Đức Chúa Trời”. Nhiều thế kỷ trôi qua, sự mê tín này lan rộng và cách phát âm thời xưa dần mất đi. b

 Một số người nghĩ tên Đức Chúa Trời được phát âm là “Gia-vê”, những người khác lại đưa ra nhiều cách phát âm khác. Một Cuộn Biển Chết chứa một phần của sách Lê-vi trong tiếng Hy Lạp phiên âm tên Đức Chúa Trời là Iao. Các nhà văn Hy Lạp thời xưa thì đưa ra cách phát âm là Iae, I·a·beʹI·a·ou·eʹ, nhưng không cách phát âm nào có bằng chứng cho thấy đó là cách phát âm trong tiếng Hê-bơ-rơ cổ. c

Những quan niệm sai về tên Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh

 Quan niệm sai: Người ta đã thêm tên “Giê-hô-va” vào các bản dịch.

 Sự thật: Tên Đức Chúa Trời dưới dạng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ xuất hiện khoảng 7.000 lần trong Kinh Thánh. d Phần lớn các bản dịch đã tùy ý loại bỏ tên Đức Chúa Trời và thay bằng một tước hiệu như “Chúa”.

 Quan niệm sai: Đức Chúa Trời Toàn Năng không cần tên riêng.

 Sự thật: Chính Đức Chúa Trời hướng dẫn những người viết Kinh Thánh dùng tên ngài hàng ngàn lần, và ngài chỉ dẫn những người thờ phượng dùng tên ngài (Ê-sai 42:8; Giô-ên 2:32; Ma-la-chi 3:16; Rô-ma 10:13). Thậm chí Đức Chúa Trời còn kết án những tiên tri giả muốn làm cho dân ngài quên tên ngài.​—Giê-rê-mi 23:27.

 Quan niệm sai: Theo truyền thống của người Do Thái, tên Đức Chúa Trời nên được bỏ ra khỏi Kinh Thánh.

 Sự thật: Đúng là một số nhà sao chép người Do Thái không muốn phát âm tên Đức Chúa Trời. Nhưng họ không bỏ tên ấy ra khỏi bản Kinh Thánh của họ. Dù là trường hợp nào đi nữa, Đức Chúa Trời cũng không muốn chúng ta làm theo truyền thống loài người và đi chệch khỏi các mệnh lệnh của ngài.​—Ma-thi-ơ 15:1-3.

 Quan niệm sai: Không nên dùng tên Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh vì chúng ta không biết chính xác cách phát âm tên ấy trong tiếng Hê-bơ-rơ.

 Sự thật: Cách lý luận này cho rằng Đức Chúa Trời muốn người ta phải phát âm tên ngài theo cùng một cách dù họ nói thứ tiếng khác nhau. Nhưng Kinh Thánh cho thấy vào thời xưa, những người thờ phượng Đức Chúa Trời nói các thứ tiếng khác nhau đã phát âm tên gọi theo cách khác nhau.

 Ví dụ như Giô-suê, tên một quan xét của Y-sơ-ra-ên. Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô nói tiếng Hê-bơ-rơ vào thế kỷ thứ nhất hẳn phát âm tên ông là Yehoh·shuʹaʽ, còn các tín đồ nói tiếng Hy Lạp thì phát âm là I·e·sousʹ. Kinh Thánh ghi lại tên của Giô-suê được dịch sang tiếng Hy Lạp, cho thấy các tín đồ đã làm điều hợp lý là dùng cách phát âm phổ biến trong ngôn ngữ của họ.​—Công vụ 7:45; Hê-bơ-rơ 4:8.

 Nguyên tắc này có thể áp dụng cho việc dịch tên Đức Chúa Trời. Việc tên Đức Chúa Trời được khôi phục đúng vị trí trong Kinh Thánh thì quan trọng hơn nhiều so với việc phát âm chính xác.

a Ông Tyndale dùng dạng “Iehouah” khi dịch năm sách đầu tiên trong Kinh Thánh. Theo thời gian, tiếng Anh thay đổi, và cách đánh vần tên Đức Chúa Trời được hiện đại hóa. Chẳng hạn, vào năm 1612, ông Henry Ainsworth dùng dạng “Iehovah” trong cả bản dịch sách Thi thiên của ông. Khi hiệu đính lại bản dịch đó vào năm 1639, ông dùng dạng “Jehovah”. Cũng thế, những dịch giả của bản dịch Kinh Thánh American Standard Version năm 1901 đã dùng dạng “Jehovah” tại những chỗ mà tên Đức Chúa Trời xuất hiện trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.

b Tân bách khoa từ điển Công giáo (New Catholic Encyclopedia), tái bản lần thứ hai, Tập 14, trang 883, 884 nói: “Một thời gian sau cuộc lưu đày, tên Gia-vê bắt đầu được tôn kính một cách đặc biệt, và xuất hiện thông lệ thay thế tên đó bằng từ ADONAI hoặc ELOHIM”.

c Để biết thêm, xin xem phụ lục A4, “Danh Đức Chúa Trời trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ”, trong Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới.

d Xem từ điển Theological Lexicon of the Old Testament, Tập 2, trang 523, 524.