Đi đến nội dung

Tại sao Chúa Giê-su được gọi là Con Đức Chúa Trời?

Tại sao Chúa Giê-su được gọi là Con Đức Chúa Trời?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Kinh Thánh thường gọi Chúa Giê-su là “Con Đức Chúa Trời” (Giăng 1:49). Cụm từ “Con Đức Chúa Trời” cho thấy Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa hay Nguồn sự sống của mọi tạo vật, trong đó có Chúa Giê-su (Thi thiên 36:9; Khải huyền 4:11). Kinh Thánh không dạy rằng Đức Chúa Trời sinh ra Chúa Giê-su giống như cách loài người sinh con cái.

 Kinh Thánh cũng gọi thiên sứ là “các con trai của Đức Chúa Trời” (Gióp 1:6). Và Kinh Thánh nói rằng người đầu tiên, A-đam, từng là “con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 3:38). Tuy nhiên, vì Chúa Giê-su là tạo vật đầu tiên và duy nhất được Đức Chúa Trời trực tiếp tạo ra, nên Kinh Thánh nói Chúa Giê-su là người Con ưu việt của Đức Chúa Trời.

 Có phải Chúa Giê-su sống trên trời trước khi được sinh ra trên đất?

 Phải. Chúa Giê-su là một tạo vật thần linh trên trời trước khi ngài được sinh ra làm người trên đất. Chính Chúa Giê-su nói: “Tôi từ trời xuống”.—Giăng 6:38; 8:23.

 Đức Chúa Trời tạo ra Chúa Giê-su trước mọi tạo vật khác. Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su như sau:

  •   “Con ấy... là con đầu tiên trong tất cả các tạo vật”.​—Cô-lô-se 1:15.

  •   Ngài là “tạo vật đầu tiên của Đức Chúa Trời”.​—Khải huyền 3:14.

 Chúa Giê-su làm ứng nghiệm lời tiên tri về một đấng có “gốc tích từ thời thái cổ, từ ngày xa xưa”.​—Mi-chê 5:2; Ma-thi-ơ 2:4-6.

 Chúa Giê-su đã làm gì trước khi xuống thế?

 Ngài có địa vị cao trọng trên trời. Chúa Giê-su nói về địa vị này khi ngài cầu nguyện: “Cha ơi, xin ban cho con sự vinh hiển,... là sự vinh hiển mà con đã có bên cạnh Cha trước khi có thế gian”.​—Giăng 17:5.

 Ngài giúp Cha ngài tạo ra mọi tạo vật khác. Chúa Giê-su cùng làm việc với Đức Chúa Trời với tư cách là “thợ cả” (Châm ngôn 8:30). Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su: “Qua Con ấy mà mọi tạo vật khác được dựng nên ở trên trời và dưới đất”.​—Cô-lô-se 1:16.

 Qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã tạo ra mọi tạo vật khác, bao gồm tất cả các tạo vật thần linh, cũng như vũ trụ vật chất (Khải huyền 5:11). Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể ví sự cộng tác giữa Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su với sự cộng tác giữa kiến trúc sư và thợ xây. Kiến trúc sư tạo ra bản thiết kế; còn thợ xây thì thực hiện bản thiết kế.

 Ngài là Ngôi Lời. Nói về đời sống của Chúa Giê-su trước khi làm người, Kinh Thánh gọi ngài là “Ngôi Lời” (Giăng 1:1). Hẳn điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời dùng Con ngài để truyền đạt thông tin và những chỉ dẫn cho các tạo vật thần linh khác.

 Rất có thể Chúa Giê-su cũng là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời với loài người trên đất. Dường như qua Ngôi lời là Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã đưa ra chỉ dẫn cho A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen (Sáng thế 2:16, 17). Có lẽ, Chúa Giê-su là thiên sứ đã dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc và tiếng mà họ phải tuyệt đối vâng theo là tiếng của ngài.​—Xuất Ai Cập 23:20-23. a

a Ngôi Lời không phải là thiên sứ duy nhất mà Đức Chúa Trời dùng để truyền lời của ngài. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời dùng các thiên sứ khác, thay vì Con đầu lòng của ngài, để truyền lại Luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên.​—Công vụ 7:53; Ga-la-ti 3:19; Hê-bơ-rơ 2:2, 3.