GIỚI TRẺ THẮC MẮC
Sáng tạo hay tiến hóa?—Phần 1: Tại sao tin nơi Đức Chúa Trời?
Sáng tạo hay tiến hóa?
Bạn có tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên mọi vật? Nếu vậy, bạn không phải là người duy nhất. Nhiều bạn trẻ (và cả người lớn) cũng có cùng quan điểm với bạn. Nhưng một số người lại nói sự sống và vũ trụ được tiến hóa mà không cần đến sự trợ giúp của một “Đấng Tối Cao”.
Bạn có biết? Dù đứng về bên nào trong cuộc tranh luận này, người ta thường vội vàng nói ra những điều mình tin mà không thật sự biết tại sao mình tin như vậy.
Một số người tin nơi sự sáng tạo đơn thuần vì đó là điều họ được dạy ở nhà thờ.
Nhiều người tin nơi thuyết tiến hóa đơn thuần vì đó là điều họ được dạy ở nhà trường.
Loạt bài này sẽ giúp bạn củng cố và giải thích niềm tin của mình nơi sự sáng tạo. Nhưng trước hết, bạn cần tự hỏi một câu hỏi cơ bản:
Tại sao mình tin nơi Đức Chúa Trời?
Tại sao đây là câu hỏi quan trọng? Vì Kinh Thánh khuyến khích bạn vận dụng “lý trí” (Rô-ma 12:1). Điều này có nghĩa bạn không nên tin nơi Đức Chúa Trời chỉ vì
cảm xúc (Chỉ là mình cảm thấy phải có một sức mạnh cao hơn con người)
ảnh hưởng của người khác (Mình sống trong một cộng đồng mà ai cũng theo đạo)
áp lực (Cha mẹ dạy mình là phải tin vào Đức Chúa Trời, nếu không sẽ bị phạt)
Thay vì vậy, bạn cần chứng minh cho chính mình là Đức Chúa Trời hiện hữu và niềm tin này dựa vào những lý do chính đáng.
Vậy, điều gì thuyết phục bạn tin rằng Đức Chúa Trời hiện hữu? Phiếu thực tập “Tại sao mình tin có Đức Chúa Trời?” sẽ củng cố niềm tin của bạn. Xem câu trả lời của các bạn trẻ khác cho câu hỏi này cũng có thể hữu ích cho bạn.
“Khi nghe cô giáo giảng về cách cơ thể chúng ta hoạt động, mình thấy rằng không có lý do gì để nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Mỗi bộ phận của cơ thể dù nhỏ nhất cũng đều có chức năng riêng và nhiều lúc những chức năng này diễn ra mà chúng ta không ý thức. Cơ thể con người quả thật là nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta!”.—Teresa.
“Khi nhìn thấy một tòa nhà chọc trời, một du thuyền hay một chiếc ô-tô, mình tự hỏi: ‘Ai đã làm ra nó?’. Lấy ví dụ chiếc ô-tô chẳng hạn. Phải có những người thông minh đã tạo ra nó vì để một chiếc ô-tô chạy được thì rất nhiều bộ phận nhỏ trong nó phải hoạt động chính xác. Và nếu chiếc ô-tô cần có người thiết kế thì con người chúng ta cũng vậy”.—Richard.
“Khi nhận thức rằng để hiểu được ngay cả yếu tố nhỏ bé nhất trong vũ trụ, những trí tuệ thông minh nhất của loài người cũng phải mất hàng trăm năm, thì bạn sẽ thấy ý tưởng vũ trụ hiện hữu mà không cần đến một trí thông minh dường như là hoàn toàn vô lý!”.—Karen.
“Càng nghiên cứu khoa học, mình càng thấy thuyết tiến hóa không có cơ sở. Mình lấy ví dụ là sự chính xác về toán học trong thiên nhiên và sự độc đáo của con người, như nhu cầu biết mình là ai, từ đâu mà có và sẽ đi về đâu. Mục tiêu của thuyết tiến hóa là giải thích những điều này bằng cách suy ra từ thú vật, nhưng nó chưa bao giờ lý giải được tại sao con người độc đáo đến thế. Theo mình, tin thuyết tiến hóa đòi hỏi ‘đức tin’ mạnh hơn là tin nơi Đấng Tạo Hóa”.—Anthony.
Giải thích niềm tin của mình
Nói sao nếu bạn cùng lớp chế giễu bạn vì tin vào những gì không thể nhìn thấy? Nếu họ nói khoa học đã “chứng minh” thuyết tiến hóa là đúng thì sao?
Hãy tin chắc nơi niềm tin của mình. Đừng bị dao động hay xấu hổ (Rô-ma 1:16). Cũng hãy nhớ rằng:
Không phải chỉ một mình bạn mà nhiều người khác cũng tin nơi Đức Chúa Trời. Gồm cả những người thông minh và các chuyên gia. Ví dụ, nhiều nhà khoa học tin có một Đức Chúa Trời.
Khi người ta nói rằng họ không tin nơi Đức Chúa Trời, đôi khi ý thật sự của họ là họ không hiểu Đức Chúa Trời. Thay vì đưa ra bằng chứng ủng hộ quan điểm của mình, họ hỏi những câu như: “Nếu Đức Chúa Trời hiện hữu, tại sao ngài cho phép sự đau khổ diễn ra?”. Thật ra, họ dựa vào cảm xúc chứ không phải lý trí.
Con người có nhu cầu tâm linh (Ma-thi-ơ 5:3). Điều này bao hàm nhu cầu tin nơi Đức Chúa Trời. Vì vậy, nếu một người nói không có Đức Chúa Trời thì người đó, chứ không phải bạn, có trách nhiệm giải thích điều gì khiến mình đi đến kết luận như thế.—Rô-ma 1:18-20.
Niềm tin nơi Đức Chúa Trời hoàn toàn hợp lý. Niềm tin này phù hợp với sự thật đã được chứng minh là sự sống không thể tự xuất hiện. Không có bằng chứng nào ủng hộ ý tưởng cho rằng sự sống xuất hiện ngẫu nhiên từ chất vô sinh.
Vậy, bạn có thể trả lời thế nào khi có người chất vấn niềm tin của bạn nơi Đức Chúa Trời? Hãy xem một vài trường hợp.
Nếu có người nói: “Chỉ những người vô học mới tin vào Đức Chúa Trời”.
Bạn có thể trả lời: “Bạn cũng có thành kiến đó sao? Mình thì không. Thực tế là trong một cuộc khảo sát trên hơn 1.600 khoa học gia đến từ nhiều trường đại học danh tiếng, một phần ba nói rằng mình không theo thuyết vô thần hay thuyết bất khả tri a. Chẳng lẽ bạn gọi những người đó là vô học chỉ vì họ tin vào Đức Chúa Trời sao?”.
Nếu có người nói: “Nếu Đức Chúa Trời hiện hữu, tại sao có quá nhiều đau khổ trên thế giới?”.
Bạn có thể trả lời: “Có lẽ ý của bạn là bạn không hiểu cách Đức Chúa Trời hành động, hay trong trường hợp này là có vẻ ngài không hành động gì cả. Có phải vậy không? [Đợi trả lời]. Mình đã tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi tại sao có quá nhiều đau khổ. Nhưng để hiểu được điều này, chúng ta cần xem xét một số dạy dỗ của Kinh Thánh. Bạn có muốn tìm hiểu thêm không?”.
Bài kế tiếp của loạt bài này sẽ thảo luận tại sao thuyết tiến hóa không giải thích thỏa đáng lý do chúng ta hiện hữu.
a Nguồn: Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội (Social Science Research Council), bài “Tôn giáo và tâm linh trong vòng các khoa học gia của các trường đại học” (“Religion and Spirituality Among University Scientists”) do Elaine Howard Ecklund viết, ngày 5-2-2007.