Đi đến nội dung

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ

Lợi ích của các hoạt động giải trí sáng tạo

Lợi ích của các hoạt động giải trí sáng tạo

 Cụm từ “hoạt động giải trí sáng tạo” muốn nói đến các trò giải trí khơi dậy sự tò mò và trí tưởng tượng, nhờ thế góp phần vào sự phát triển và những kỹ năng khéo léo của trẻ.

 Chẳng hạn:

  •   Vẽ

  •   Nướng bánh

  •   Chơi trò tưởng tượng

  •   Hát

  •   Chơi lắp ghép

  •   Chơi với những vật dụng đơn giản (thậm chí một hộp bìa cứng cũng có thể kích thích trí tưởng tượng)

 Tại nhiều nước, các hoạt động giải trí sáng tạo phần lớn được thay thế bằng trò giải trí thụ động hoặc những hoạt động được tổ chức sẵn.

 Tại sao bạn nên quan tâm?

 Điều bạn nên biết

  •   Hoạt động giải trí sáng tạo có thể góp phần vào sự phát triển của trẻ. Hoạt động này có thể giúp nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, phát triển óc sáng tạo và kỹ năng xã hội. Nó cũng có thể dạy trẻ em kiên nhẫn, cải thiện kỹ năng đưa ra quyết định, kiểm soát cảm xúc và hòa thuận với những bạn khác khi chơi theo nhóm. Tóm lại, hoạt động giải trí sáng tạo có thể chuẩn bị cho các em để bước vào tuổi trưởng thành.

  •   Lạm dụng thiết bị điện tử có thể gây hại. Dành quá nhiều thời gian cho thiết bị điện tử có thể khiến trẻ bị nghiện. Người ta cũng cho rằng thói quen này liên quan đến chứng béo phì và cáu gắt ở trẻ. Đây là lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ dùng thiết bị điện tử như “người trông trẻ” đối với con chưa đến tuổi đi học.

  •   Những hoạt động được tổ chức sẵn có các nhược điểm. Khi cha mẹ dẫn con đi hết hoạt động này đến hoạt động khác được tổ chức sẵn, chúng sẽ không có đủ thời gian cần thiết để tham gia vào các loại hoạt động kích thích trí tò mò và óc sáng tạo.

 Điều bạn có thể làm

  •   Tạo cơ hội để con tham gia hoạt động giải trí sáng tạo. Nếu hoàn cảnh cho phép, hãy cho con chơi ngoài trời, nhờ thế chúng có thể làm quen với thiên nhiên. Hãy để chúng theo đuổi sở thích và chơi những đồ chơi kích thích tính sáng tạo. a

     Hãy thử nghĩ: Hoạt động giải trí sáng tạo có thể giúp con phát triển những phẩm chất và kỹ năng nào, và điều này mang lại lợi ích thế nào cho con về sau?

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Việc tập thể dục có ích một phần”.—1 Ti-mô-thê 4:8, chú thích.

  •   Giới hạn thời gian “dùng màn hình”. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi để điện thoại, máy tính bảng hoặc ti-vi “trông” con. Bác sĩ khoa nhi khuyến cáo không nên cho trẻ dưới hai tuổi “dùng màn hình” và không nên cho trẻ từ hai đến năm tuổi “dùng màn hình” quá một tiếng mỗi ngày. b

     Hãy thử nghĩ: Mình nên đặt giới hạn nào cho con về thời gian “dùng màn hình”? Mình có nên xem cùng con không? Những hoạt động nào có thể thay thế thiết bị điện tử?

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy giữ gìn cẩn thận cách ăn ở của anh em, chớ ăn ở như người dại dột nhưng như người khôn ngoan, hãy tận dụng thì giờ”.​—Ê-phê-sô 5:15, 16.

  •   Cân nhắc kỹ những hoạt động được tổ chức sẵn. Đúng là những hoạt động này có thể giúp trẻ ngày càng thành thạo một kỹ năng hoặc một môn thể thao. Nhưng thường thì quá nhiều hoạt động được tổ chức sẵn sẽ gây căng thẳng, không chỉ cho con mà còn cho cha mẹ có lẽ có trách nhiệm đưa đón con. Nguyên tắc nơi Ê-phê-sô 5:15, 16 nói về việc dùng thời gian cách khôn ngoan cũng áp dụng cho trường hợp này.

     Hãy thử nghĩ: Con mình có tham gia quá nhiều hoạt động được tổ chức sẵn không? Nếu thế, mình có thể điều chỉnh ra sao?

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Nhận biết những điều quan trọng hơn”.​—Phi-líp 1:10.

a Nhiều món đồ chơi được sản xuất ít khi kích thích tính sáng tạo. Ngược lại, những đồ chơi hoặc vật dụng đơn giản, từ những mảnh lắp ghép đến hộp bìa cứng, giúp trẻ dùng trí tưởng tượng của mình.

b Thời gian “dùng màn hình” nói đến việc giải trí chứ không nói đến việc trò chuyện trực tuyến với người thân hoặc thưởng thức những chương trình thiêng liêng với gia đình.